“3 gặp, 4 biết” của Đội tình nguyện xã Hoằng Trung

07/07/2015 15:59

Với phương châm “3 gặp, 4 biết”, Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Đội tình nguyện) đã giúp đỡ được nhiều người nghiện từ bỏ ma tuý, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Năm 2006, địa bàn xã có 30 người nghiện ma tuý, 2 tụ điểm buôn bán ma tuý và một tụ điểm hoạt động mại dâm. Ban đêm, cạnh Quốc lộ 1A nhiều phụ nữ bán dâm cho lái xe đường dài gây mất trật tự an toàn xã hội

Một buổi sinh hoạt Đội công tác xã hội tình nguyện. Ảnh internet

Trước tình hình đó, Đội tình nguyện của xã đã được thành lập với 5 thành viên.

Đội tình nguyện phối hợp với các đoàn thể, tiến hành rà soát tình hình tệ nạn xã hội đến tận hộ gia đình trong xóm, làng, cơ quan, đơn vi, xí nghiệp trên địa bàn, phân tích tình hình, tìm nguyên nhân tiềm ẩn và xác định mục tiêu. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức người dân, giúp cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội nhận biết được bản chất nguy hiểm của các loại tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma túy và tác hại của nó đối với sức khỏe, hành vi của con người.

Đối với số thanh niên lang thang, đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, tình nguyện viên thường xuyên gần gũi, phân tích giúp họ tự định hướng, xác định được vai trò trách nhiệm của mình, tránh xa sự cám dỗ của cái xấu, đồng thời, lôi cuốn họ tham gia công tác tình nguyện, cung cấp thông tin từ nhóm đối tượng cho lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn kịp thời.

Đối với người nghiện ma túy, tình nguyện viên đã phối hợp cùng nhau đến từng hộ gia đình có người nghiện để vận động. Với phương châm 3 gặp (gặp bản thân, gặp gia đình, gặp cán bộ thôn), 4 biết (biết bản thân, biết gia đình, biết hoàn cảnh, biết nguyện vọng) để nắm bắt thông tin của từng đối tượng. Trong những ngày đầu, Đội gặp không ít khó khăn, bởi cứ mỗi lần thấy có người đến nhà dù người đó là ai, đến có việc gì thì người nghiện đều tìm cách tránh mặt. Nhưng nhờ kiên trì, nhẫn nại, các tình nguyện viên đã xóa dần khoảng cách giữa họ với người nghiện, xích lại gần hơn với người nghiện để giúp đỡ họ được nhiều hơn.

Đáng nhớ nhất là trường hợp anh Lê Công B., 41 tuổi, ở thôn Thị Tứ, là người nghiện nhiều năm. Sau nhiều lần hẹn gặp không được, các tình nguyện viên quyết định đến bất ngờ. Không từ chối được, anh tiếp các tình nguyện viên với thái độ dửng dưng, có phần bực bội. Sau những lời hỏi thăm ban đầu, các tình nguyện viên chia sẻ về những khó khăn hiện tại của anh như kinh tế khó khăn, sức khỏe ngày một giảm sút, con cái đi học bị bạn bè trêu trọc, hàng xóm thì xa lánh.v.v… Những lời tình nguyện viên nói ra hoàn toàn đúng với tâm trạng của anh lúc đó nên sau một hồi lặng thinh, anh bắt đầu chia sẻ về quá trình nghiện ma túy, những hệ lụy do ma túy mang lại và nguyện vọng của anh lúc này là cai được ma túy, làm lại cuộc đời để con anh không bị chúng bạn chế giễu nữa.

Biết được tâm nguyện của anh, các tình nguyện viên phân công nhau gặp gỡ anh và người thân trong gia đình, cùng lắng nghe, chia sẻ và tư vấn giúp anh lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp là cai nghiện tại gia đình. Không chỉ vậy, anh còn vận động thêm 5 người khác cùng đăng ký cai nghiện tại gia đình với anh. Trong thời gian đó, Đội tình nguyện phối hợp với các đoàn thể, thăm hỏi, động viên giúp đỡ họ hoàn thành quy trình cai nghiện. Đến nay, anh Lê Công B đã đoạn tuyệt với ma túy và đang tích cực tham gia cùng với Tình nguyện viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người nghiện cai nghiện.

Từ những hoạt động tư vấn, tuyên truyền và vận động của tình nguyện viên đã góp phần nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm đến từng người dân, giúp cơ quan chức năng đấu tranh triệt phá 3 vụ buôn bán ma tuý, xoá bỏ tình trạng mại dâm trên địa bàn.

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn xã không phát sinh người nghiện mới, số đối tượng mắc tệ nạn xã hội giảm rõ rệt, số người nghiện cũ được cai nghiện, nhiều người hòa nhập cộng đồng không tái nghiện.

Top