Yếu tố làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM

28/03/2016 14:32

Con số mới nhất Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đưa ra về tình hình nhiễm HIV trong năm 2015 cho thấy, lây truyền qua đường tình dục chiếm hơn 50%, trong đó, nam giới chiếm 66% và 5,2% là đồng tính nam (MSM).

Tú Anh cho  biết đã phát hiện ra mình là “gái” khi còn là cậu bé rất nhỏ - Ảnh: Thùy Chi

Quan hệ MSM nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần và nữ chuyển giới nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 49 lần. Những con số đã chỉ ra những tiềm ẩn về lây lan HIV trong nhóm đồng giới nếu không có biện pháp phòng, chống HIV đúng.

Để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm MSM, bản thân họ (những người đồng tính nam, chuyển giới) cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống và nâng cao kiến thức về HIV/AIDS. Tuy nhiên, một yếu tố vô hình chung đã làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm MSM, đó chính là phân biệt đối xử, kỳ thị.

Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, chuyên gia về người đồng giới cho biết, kỳ thị và phân biệt đối xử đã tác động đến việc những người đồng giới nam tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế và bộc lộ hành vi tình dục đồng giới với các nhân viên y tế. Có đến 18%-21% nam quan hệ tình dục đồng giới cảm thấy sợ hãi khi tìm đến các dịch vụ y tế.

Chia sẻ về những tâm sự thầm kín bao lâu nay, La Lan, một cô gái chuyển giới, người Thái ở Sơn La và Tú Anh đều cho biết, họ phát hiện ra mình là “gái” khi còn là cậu bé rất nhỏ, chơi những trò chơi của con gái rất giỏi và thích bạn trai thay vì bạn gái. 

Những cử chỉ “ẻo lả” của các cậu bé bị mọi người gọi là “đồng cô”, khiến họ rất hoang mang. Lớn lên, tự tìm hiểu về đồng tính, họ mới ý thức mình là phụ nữ và quyết định chuyển giới. Còn Hòa, một người nam quan hệ tình dục đồng giới cho biết, khi phát hiện ra giới tính thực của mình, anh đầy áp lực vì lo sợ bị ghét bỏ, bị xua đuổi.

Do thông tin về người đồng tính rất ít, nên lúc lớn lên, cả 3 người trên cũng như nhiều người đồng tính khác đã không biết mình là ai và nên làm thế nào. Khi biết giới tính thực của mình thì họ gặp phải sự kỳ thị của mọi người trong gia đình và xung quanh khiến họ sợ hãi chính bản thân. Họ bị gọi là “dì”, là “pê đê”, “xăng pha nhớt”, thậm chí nhiều người không dám ngồi cạnh họ vì sợ bị… lây, rồi gây gổ, chụp ảnh bôi xấu lên mạng xã hội.

Nhiều bạn đồng tính còn phải chịu bạo lực gia đình như Tú Anh từng bị bố đánh đến không thể ngồi được khi phát hiện cô đi chơi với bạn trai chứ không phải là bạn gái. Có gia đình cho con dùng thuốc tâm thần, thậm chí đưa vào trại xã hội để “trở lại giới tính” và “chữa bệnh” khiến cho tinh thần họ càng hoảng loạn hơn.

Năm 2014, Quốc hội đã sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, không cấm hôn nhân đồng giới. Năm 2015, Luật Dân sự sửa đổi đã cho phép phẫu thuật chuyển giới tính, Quốc hội cũng cho phép cấp lại giấy tờ để xác định lại giới tính, nhưng hiện chưa được hướng dẫn. Cũng vì chưa làm lại được giấy tờ nên những người như La Lan không thể mở tài khoản ngân hàng, hay thường gặp khó khăn khi đi máy bay. Hoặc những người như Tú Anh, khi đau ốm không giám đi khám vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn của người đồng giới chỉ để được sống đúng giới tính của mình. Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào phẫu thuật chuyển giới toàn bộ cơ thể, nên hầu hết người chuyển giới phải sang Thái Lan để phẫu thuật, khoảng 35.000 USD/ca mà nguy cơ không thành công khá cao. 

Sau khi phẫu thuật, họ đều có những vấn đề về sức khỏe, phụ thuộc vào cơ sở mà họ phẫu thuật chuyển giới có uy tín hay không và di chứng với những vết thương vô cùng đau đớn. Có vấn đề họ gặp phải sau phẫu thuật rất cần được chữa trị nhưng không cơ sở y tế nào ở Việt Nam làm được, nên lại phải bay qua Thái Lan mà các bác sĩ ở đó chỉ mất 2 phút để “sửa chữa”.

Chuyển giới từ nữ sang nam phải uống thuốc tăng cơ, vitamin A, còn chuyển từ nam sang nữ phải tự tiêm hoocmon mỗi tuần một lần, 500.000 đồng/liều (hoặc dùng thuốc tránh thai hàng ngày) cho nữ tính, suy giảm cơ bắp, nhưng lại bị suy giảm trí nhớ. Chưa kể, hoocmon trôi nổi nhiều nên họ không thể biết thật, giả ra sao, chỉ truyền nhau trong cộng đồng, nên luôn nơm nớp lo lắng cho sức khỏe. Trong khi ở nước ngoài, một người khi quyết định chuyển giới phải có sự tư vấn, đánh giá kỹ càng hàng năm trời.

Trong chăm sóc y tế, người đồng tính cũng gặp rất nhiều rào cản. Có lần La Lan đi khám bệnh, nhân viên y tế đọc thấy tên nam giới, nhưng xuất hiện lại là nữ, liền bỏ qua. Người đồng giới cũng bị từ chối khám, chữa bệnh về bộ phận sinh dục đã chuyển giới vì ở Việt Nam không chuyên, hoặc sợ trách nhiệm. Vì thế, những người đồng tính bày tỏ mong muốn có mô hình phòng khám thân thiện, để được chăm sóc y tế bình đẳng như mọi người, tránh được bệnh tật và nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Nguy cơ truyền bệnh của MSM cao hơn 17% trong khi sợ bị kỳ thị chính là nguy cơ tiềm ẩn.

Năm 1990, WHO đã loại bỏ đồng tính khỏi danh mục bệnh tâm thần, vì là vấn đề bẩm sinh. Y học cũng chưa giải thích được nguyên nhân, vì thế, các chuyên gia khuyến cáo: Những gì chưa biết rõ hãy giữ thái độ khách quan để đừng làm tổn thương những người xung quanh. 

Vậy để làm giàm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, chuyển giới, bác sĩ Phạm Vũ Thiên cho rằng, không nên kỳ thị người đồng tính vì đó chính là nguy cơ làm lây truyền căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến quan hệ tình dục của người đồng giới có tác động đến y tế và làm xấu hơn nguy cơ lây nhiễm HIV tăng cao trong nhóm MSM và nữ chuyển giới.
Top