Yên Bái: Truyền thông thay đổi hành vi cho gần 20 nghìn người

18/06/2019 13:28

Để đẩy lùi dịch bệnh, giảm thiểu tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh, Yên Bái chú trọng nâng cao nhận thức thức của toàn xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS 828buổi cho 19.939/13.000 người, đạt 153,4% theo kế hoạch đã đề ra.

 Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy - Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến đầu tháng 6/2019 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn được quản lý là 5.848 người. Trong đó, số mắc phát hiện mới 6 tháng đầu năm 2019 là 39 người; lũy tích tử vong 1.576 người.

Riêng 6 tháng đầu năm tử vong 26 người; tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS dân số toàn tỉnh là 0,52%; phát hiện HIV 39 người. Đặc biệt, đường lây truyền HIV chủ yếu trong số người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh là đường máu 51,3%; tình dục 13,28%; từ mẹ sang con 3,38%, con đường khác 32,04%.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, địa phương tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV tại phòng tư vấn tự nguyện cho 795/1.780 người. Thông qua công tác giáo dục tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS, có trách nhiệm ý thức vươn lên sống khoẻ, sống tốt dù đã nhiễm HIV. 

Trong hoạt động chuyên môn, Trung tâm đã triển khai đồng bộ, các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại nhằm khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ ra cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành đã triển khai thực hiện điểm cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm và các huyện, thị cho trên 1.000 người. 

Trong đó, 96 bệnh nhân mới đăng ký điều trị, 122 bệnh nhân bỏ điều trị, bị bắt, chuyển nơi điều trị; 5 bệnh nhân nhiễm HIV; 100% các ca điều trị an toàn, không có tai biến xảy ra, không có bệnh nhân tử vong khi uống thuốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn như: Cán bộ tại cơ sở chủ yếu là làm kiêm nhiệm nên thường xuyên có sự thay đổi; triển khai hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ còn khó khăn ở một số huyện, xã vùng cao do tập quán và trình độ văn hóa của người dân còn thấp; đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu, hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở tuyến xã, thị trấn; kinh phí đầu tư cho hoạt động cắt giảm qua từng năm…

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin truyền thông, kết hợp các hình thức truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV. Triển khai Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ Y tế về "Tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế”.

Chú trọng nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; tạo điều kiện để người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, can thiệp, bảo hiểm y tế và đặc biệt là điều trị ARV; xây dựng các chính sách, đưa các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Top