Xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng: Mô hình cho thành công mục tiêu 90-90-90

22/05/2017 13:58

Tư vấn xét nghiệm HIV là hoạt động quan trọng bảo đảm cho thành công của mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng virus ở mức thấp) để làm giảm lây nhiễm HIV sang người khác.

Xét nghiệm HIV cho cộng đồng. Ảnh: Hữu Thủy

Theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc, nếu các quốc gia đạt được các mục tiêu này vào năm 2020 thì có thể tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.  Có thể nói mục tiêu 90% thứ nhất và cũng là tiền đề bảo đảm cho các mục tiêu 90 thứ 2 và 90 thứ 3.

Hiện nay toàn quốc có trên 1.100 cơ sở y tế triển khai tư vấn và xét nghiệm HIV, hơn 100 phòng xét nghiệm khẳng định ở 63 tỉnh, thành phố. Hằng năm triển khai khoảng hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh phí cắt giảm, các mô hình tư vấn xét nghiệm truyền thống ngày càng khó khăn, tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính thấp cần phải có những mô hình mới, cách làm mới để có thể phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn, dễ dàng tiếp cận với các nhóm đích hơn.

Do vậy, Bộ Y tế cũng đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS không chỉ trong ngành y tế mà còn triển khai tư vẫn xét nghiệm tại cộng đồng thông qua tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, tư vấn xét nghiệm do các cán bộ không chuyên thực hiện.

Để giúp cho việc triển khai các hình thức mới này, ngày 19/10/2015, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4306/QĐ-BYT về Kế hoạch thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Đến nay, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế mô hình này đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Cần Thơ và bước đầu đã thấy rõ nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, người có nhu cầu xét nghiệm đã dễ dàng hơn trong tiếp cận dịch vụ, giảm kỳ thị phân biệt đối xử, số người biết tình trạng nhiễm HIV nhiều hơn, dịch vụ thân thiện hơn, kết nối những người có kết quả sàng lọc ban đầu dương tính với các phòng xét nghiệm khẳng định và cơ sở điều trị ARV nhanh hơn và do đó tỷ lệ mất dấu không còn hoặc rất thấp. Chưa kể những người không nhiễm HIV cũng có cơ hội tiếp cận các thông tin và dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV tốt hơn.

Cần Thơ mới chỉ triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ không chuyên thực hiện (các nhóm dựa vào cộng đồng thực hiện) từ cuối tháng 2/2017 đến nay, các nhóm đã tư vấn và xét nghiệm được cho 120 người và một kết quả quan trọng là đã có 14 người được phát hiện có phản ứng dương tính ban đầu. Những người có phản ứng dương tính ban đầu đã được nhóm hỗ trợ xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Cần Thơ và kết quả cho thấy có tới 13 người được khẳng định là HIV dương tính và kết nối vào điều trị ARV.

TS.BS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi cũng đã có cơ hội được đi thực tế, tiếp cận với các bạn, nghe các bạn truyền thông, quan sát các bạn thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV và được trao đổi về kết quả thực hiện cũng như những thuận lợi, khó khăn mà các bạn gặp phải, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá rất cao những nỗ lực, sự tâm huyết với cộng đồng và những kết quả mà các bạn đã đạt được. Thời gian hoạt động này chưa dài nhưng những kết quả đạt được là rất tích cực và đặc biệt chúng tôi nhìn thấy được sự tâm huyết, cống hiến của các bạn cho cộng đồng, điều đó giúp chung tôi tin tưởng rằng hoạt động của chúng ta, mô hình của chúng ta sẽ thành công”.

Top