Vượt lên định mệnh

20/04/2012 17:01

“Tôi cũng thấy khâm phục sức chịu đựng của mình, bao nhiêu chuyện như vậy mà mình vẫn không gục ngã. Nếu còn có ngày nào may mắn được sống trên đời, phải cố sống cho ra sống”, cô N.T.H -một trong những giáo viên dạy giỏi văn ở Trường THPT Mỏ Trạng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tâm sự.

Căn phòng giản dị, khiêm tốn của cô nằm trong khu tập thể dành cho giáo viên của trường. Dù chồng và con đã bị căn bệnh thế kỷ cướp đi trong đau đớn, nhưng cô vẫn lạc quan, hằng ngày đứng trên bục giảng, mang con chữ đến với các em vùng cao.

Những nỗi đau tột cùng

Năm 1994, N.T.H. nhận được giấy báo trúng tuyển của cả hai trường đại học: Luật Hà Nội và Sư phạm II với số điểm rất cao. Ước mơ được đứng trên bục giảng từ ngày bé đã thôi thúc cô chọn nghề giáo. Tốt nghiệp đại học, H. là một trong 6 người đạt điểm cao nhất khóa, được giữ lại trường làm giảng viên, nhưng cô quyết định về quê để thực hiện ước mơ còn dang dở - đó là được dạy ở miền quê nơi mình sinh ra.

Cũng chính thời gian đó, anh chàng sửa xe gần trường cảm mến H. từ lâu đã tình nguyện lên viện chăm sóc cô. H. đem lòng yêu anh. “Thấy vậy, gia đình, bạn bè khuyên can rằng anh có quá khứ không tốt đẹp gì, có thể anh dính vào ma túy. Nhưng lúc ấy mình hy vọng bằng tình yêu sẽ cảm hóa được anh” - H. tâm sự.

Những nỗi đau tột cùng...

Có lẽ duyên trời đã định, tháng 12-2001 cô lên xe hoa. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với cô khi cô sinh được cô công chúa dễ thương, “không ngờ, tai họa giáng xuống. Tôi bị nghi ngờ dương tính với HIV, bé Trang không lâu sau cũng mất, chồng thì chìm sâu trong nghiện ngập”, cô nghẹn ngào kể lại.
Cô gạt nước mắt, quyết tâm bắt chồng đến trại cai nghiện. Bao nhiêu tiền lương cô dành hết cho chồng đi cai nghiện, đồ đạc trong nhà cũng lần lượt ra đi. “Lúc ấy tôi chẳng tiếc gì. Chỉ mong anh làm lại từ đầu”, cô H. bộc bạch. Sau 6 tháng ở trung tâm, được người thân, cán bộ y tế động viên, chồng cô đã cai nghiện thành công. Về nhà, anh chăm chỉ làm ăn và lo toan cuộc sống gia đình. Nhưng thời gian không được bao lâu, anh nghiện trở lại và ngày càng nặng hơn.

Không những vậy, cậu em trai út của H. cũng bị nhiễm HIV vào giai đoạn cuối. Ban ngày cô phải vượt qua 20km đến trường dạy học. Ban đêm, H. thay mẹ chăm sóc em rồi thỉnh thoảng lại “đảo” qua nhà thăm chồng. Suốt mấy tháng liền cô mất ăn, mất ngủ. Cơ bắp, thịt da trên cơ thể cô như bị bay hơi, sấy khô, cứ teo biến dần, da dẻ sạm đen, mắt thâm quầng. Không chỉ bố mẹ, người thân trong nhà mà các đồng nghiệp, bạn bè cũng bắt đầu lo cho cô. Ngày cô đưa tang em trai ra đồng cũng là ngày chồng mất. Bao nhiêu nỗi đau cứ lần lượt ập đến, có những lúc tưởng chừng cô không vượt qua nổi. Không ít người thân, bạn bè đã gạt nước mắt mường tượng giây phút phải đành lòng đưa tiễn cô “sang thế giới bên kia”.

Nghị lực siêu phàm

Dù chuẩn bị trước tâm lý nhưng cô không tin vào tai mình khi nghe thông báo kết quả chẩn đoán mình dương tính với HIV. Cô lả đi bởi hàng loạt câu hỏi không thể tìm lời giải. Gia đình nghe tin, ai cũng ra sức động viên, an ủi cô; hàng xóm láng giềng không hề xa lánh, còn học sinh vẫn thường xuyên đến thăm cô.

Tưởng rằng đó sẽ là nỗi đau cuối cùng. Nào ngờ căn bệnh ung thư cổ tử cung tiếp tục hành hạ cô. Lần này, cô phải lên bàn mổ để cắt bỏ khối u nặng đến 3kg. Thế nhưng chỉ sau 3 tuần dưỡng bệnh, cô đã trở lại lớp. Cô nói: “Với tôi, lên lớp là một niềm vui lớn, học trò là nguồn động lực để tôi bước tiếp. Tôi muốn mang những kiến thức của mình truyền lại cho các em”.

Đau ốm, bệnh tật đeo bám nhưng cô giáo H. cố gắng không nghỉ bất cứ buổi dạy nào vì sợ phiền lụy đến các giáo viên khác vượt qua định mệnh, 6 năm cô H. là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là Lao động tiên tiến.

Cô giáo đã vượt lên định mệnh...

Nhắc đến cô giáo N.T.H, không chỉ những người trong ngành mà kể cả người dân đều ngưỡng mộ và cảm phục. Bác Tân, một phụ huynh học sinh tâm sự: “Chúng tôi rất kính trọng cô H. Cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn rất thân thiện, hòa đồng với học sinh. Cô thường đến nhà động viên các em học tập. Nhà nào khó khăn, cô còn bỏ tiền lương ra để hỗ trợ các em mua sách vở”.

Khi hỏi về bí quyết dạy giỏi, cô cười và khiêm tốn trả lời: “Bằng khen chỉ là danh hiệu, làm sao lên lớp để học sinh chào đón mới là cái khó đối với bất kỳ giáo viên nào”.

Bên cạnh hoạt động giảng dạy, cô còn làm thơ, viết truyện ngắn, bình văn… cho các báo, tạp chí và từng được giải thưởng của Tạp chí Sông Thương. “Cô giáo H. vươn lên chiến thắng số phận đã là một kỳ tích, hơn nữa cô ấy lại là giáo viên dạy giỏi văn cấp tỉnh suốt 6 năm liền. Năm 2008, cô H. là một trong 5 giáo viên cốt cán của tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cử đi tập huấn chương trình đổi mới sách giáo khoa. Nghị lực vươn lên của cô H. thật đáng khâm phục!”, thầy Nguyễn Văn Thao, giáo viên Trường THPT Mỏ Trạng nhận xét.

Top