Vĩnh Phúc: Dự phòng lây truyền HIV cho người đồng tính

20/09/2016 08:25

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.000 người đồng tính. Trong đó, số người đồng tính được quản lý là 450 người, sinh hoạt chủ yếu tại 2 nhóm đồng đẳng là Khát Vọng và Trăng Khuyết.

 

Tư vấn dự phòng lây truyền bệnh qua đường tình dục

Cùng với các hoạt động chăm sóc, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với 2 nhóm đồng đẳng thường xuyên tư vấn, tuyên truyền, lấy máu xét nghiệm và dự phòng các dịch vụ, chương trình cho nhóm đối tượng ngày. Đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV đang được theo dõi, quản lý trong 2 nhóm, chiếm 2,5% người đồng tính và hiện có 7 người đang tham gia điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.

Anh Phạm Văn Dũng, cán bộ Phòng Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Để điều trị, dự phòng sớm HIV/AIDS thành công không chỉ dựa vào việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, thuốc điều trị mà cần phải có sự chung tay của những người nguy cơ cao nhiễm HIV. Đặc biệt, đối với cộng đồng nam quan hệ đồng tính (MSM) thì đây là yếu tố rất quan trọng. Các nhóm MSM thực hiện dự phòng qua việc thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục đồng đẳng và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho cộng đồng MSM.

Được thành lập từ năm 2013, với mục đích cung cấp dịch vụ, tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho các thành viên, đến nay nhóm Khát vọng (T.P Vĩnh Yên) đã có hơn 200 thành viên. Anh Trần Văn Toàn, Trưởng nhóm Khát Vọng cho biết: Nhờ có sự tiếp cận và phối hợp giữa Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và các nhóm đã tạo điều kiện cho nhiều người đồng tính có hiểu biết đúng đắn về HIV, cách phòng tránh và những lợi ích từ việc dự phòng điều trị sớm HIV.

Hàng tháng, ngoài việc tổ chức truyền thông, cung cấp thông tin, tài liệu cho các thành viên về các kiến thức phòng chống HIV/AIDS, nhóm Khát vọng còn hỗ trợ tư vấn cho từng cá nhân để giúp các thành viên trong nhóm có nhận thức, hành vi đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận những nhóm người đồng tính để họ tham gia vào các hoạt động dự phòng, điều trị còn gặp phải một số khó khăn không chỉ xuất phát từ chính bản thân người đồng tính mà còn từ chính cộng đồng.

Cùng quan điểm trên, anh Phạm Tuấn Sinh, Trưởng nhóm Trăng Khuyết chia sẻ: “Là những người muốn giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh nhưng chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn do ánh mắt kỳ thị của mọi người. Từ đó, các bạn đồng tính tự kỳ thị mình, không dám bộc lộ con người thật nên rất khó để chúng tôi có thể tìm kiếm họ. Rất nhiều trường hợp khi đã có những hành vi không an toàn mới tìm đến nhóm, lúc đó, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác dự phòng lây nhiễm HIV”.

Virus HIV lây nhiễm qua 3 con đường chính, trong đó quan hệ tình dục không an toàn là một trong những con đường có nguy cơ cao nhất. Nó không chỉ diễn ra ở quan hệ nam nữ mà còn diễn ra ở quan hệ đồng giới và làm tăng nguy cơ nhiễm HIV lên gấp nhiều lần, đặc biệt là đồng giới nam. Vì vậy, để tích cực góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tiến tới loại trừ căn bệnh HIV/AIDS thì việc dự phòng lây truyền cho người đồng tính là rất cần thiết và cần được quan tâm nhiều hơn.

Top