Vĩnh Phúc: 96% người điều trị HIV có thẻ BHYT

05/04/2019 15:18

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 3/2019, toàn tỉnh có 2.092 người nhiễm HIV còn sống, trong đó, có 251 người mất dấu; 888 người đang được điều trị tại các cơ sở y tế; tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị có thẻ BHYT đạt 96%.

 Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: TT KSBT tỉnh

Thay vì cấp miễn phí như trước đây, từ ngày 1/1/2019, thuốc kháng virus ARV dành cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chính thức được thanh toán qua thẻ BHYT. Đây sẽ là điểm tựa bền vững giúp người bệnh điều trị khi không còn nguồn tài trợ quốc tế.

Cùng với các biện pháp y tế thông thường, những năm qua, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có đủ sức khỏe, thể lực, sống và lao động bình thường như những người khác, nhờ đó, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện đã bị cắt giảm và dự kiến từ năm 2020 sẽ không còn, trong khi việc điều trị của người nhiễm HIV đòi hỏi quá trình lâu dài, chi phí tốn kém có thể lên tới 18 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Trước bối cảnh đó, bảo hiểm y tế là giải pháp tối ưu bảo đảm cho người nhiễm HIV duy trì điều trị đều đặn.

Theo Thông tư  27 của Bộ Y tế, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV chỉ còn phải chi trả 20% cho các dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Toàn bộ bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện đang điều trị tại 2 phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế huyện Sông Lô. Tuy nhiên, năm 2019, chỉ có bệnh nhân điều trị tại phòng khám ngoại trú của huyện Sông Lô sẽ thực hiện khám chữa bệnh và nhận thuốc qua nguồn BHYT, còn phòng khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân vẫn được hỗ trợ thuốc từ nguồn dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.

Thời gian tới, cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động cho người bệnh nhận thức đúng về lợi ích của BHYT; tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Đồng thời, triển khai các biện pháp chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm tham gia BHYT và đến điều trị, nhằm hướng tới mục tiêu 100% người điều trị HIV có thẻ BHYT.
Top