Việt Nam-Thái Lan có thể hợp tác để xóa bỏ dịch AIDS

19/09/2014 13:00

Theo ông Taweesap Siraprapasiri đại diện Trung tâm quản lý AIDS quốc gia, Bộ Y tế Thái Lan, Việt Nam đang đi đúng hướng, Chính phủ và người dân Việt Nam đã có sự tương tác rất tốt. Vì vậy, việc xóa bỏ đại dịch AIDS sẽ là một tương lai không xa.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam và Thái Lan vẫn thường xuyên tổ chức những diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì hai nước có khá nhiều điểm tương đồng nên việc này sẽ giúp đạt được những mục tiêu đề ra trong công tác này. Ông Taweesap Siraprapasiri cho rằng, Việt Nam - Thái Lan có thể hợp tác, học hỏi lẫn nhau để xóa bỏ dịch AIDS đến năm 2030 và ông rất mong hai nước sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để cùng hợp tác trong vấn đề này.

Chia sẻ về những kinh nghiệm để đảm bảo cho công tác phòng, chống HIV/AIDS khi không có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế tại Thái Lan, ông Taweesap Siraprapasiri cho biết, việc đảm bảo nền tài chính vững mạnh trong phòng, chống HIV/AIDS nằm trong kế hoạch phát triển mang tầm chiến lược của chúng Thái Lan, do đó Thái Lan đã tự xây dựng lên nguồn quỹ riêng. Hiện Thái Lan cũng đang đi lên là nước có thu nhập trên trung bình nên sẽ không có sự hỗ trợ từ Quốc tế, việc đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính khiến Thái Lan phải huy động nhiều hơn nữa từ các nguồn trong nước và những nhà hảo tâm địa phương.

Trong hoàn cảnh trên, Thái Lan chuyển đổi từ khống chế bệnh dịch sang kết thúc dịch AIDS. Tất cả mọi người đều được khuyến khích biết về tình trạng HIV với trọng tâm tiến tới đạt được 90% cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao bằng cung cấp các gói dịch vụ toàn diện.

Bên cạnh đó, sử dụng có chiến lược ART thông qua mở rộng chương trình điều trị ARV (ART không phụ thuộc số lượng CD4) và tăng cường duy trì điều trị cùng với chăn sóc lâu dài.

Thái Lan cũng thực hiện cách bình thường hóa HIV như các vấn đề sức khỏe khác, tạo môi trường chính sách và các cơ chế thuận lợi, đồng thời tăng cường thông tin chiến lược, quản lý.

Để tăng tốc nhằm kết thúc đại dịch AIDS, trong năm qua Thái Lan đã phê chuẩn các biện pháp nhằm kết thúc AIDS được dựa vào các kịch bản đầu tư do Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS đệ trình (tháng 6/2013). Ủy ban quốc gia về Quỹ Chăm sóc phòng, chống AIDS đã phê chuẩn đề nghị kinh phí cho mở rộng điều trị ARV và ngân sách cho dự phòng vào tháng 12/2013.

Đặc biệt, Thái Lan đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực từ trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, xây dựng năng lực cho hệ thống Sức khỏe và dịch vụ cộng đồng…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai không tránh được những khó khăn. Theo ông Taweesap Siraprapasiri, khó khăn lớn nhất trong việc kết thúc đại dịch AIDS ở Thái Lan chính là vấn đề quan điểm. Có hai điều sẽ ảnh hưởng đến việc thành công. Đó là, nhiều người nghĩ rằng HIV/AIDS không liên quan gì đến họ, họ cho rằng đây là vấn đề của người khác. Điều thứ hai chính là phân biệt đối xử và kỳ thị. Họ nghĩ HIV/AIDS là một điều gì đó không thể chấp nhận được trong xã hội, sự lăng mạ và phân biệt đối xử với người nhiễm chính là rào cản khiến người nhiễm HIV khó có thể tiếp cận với những dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS.

“Điều quan trọng phải làm là chúng ta phải tác động lên suy nghĩ của người dân để bình thường hóa HIV, có sự đồng cảm với AIDS, để mọi người đều có thể tiếp cận và tham gia phòng, chống AIDS”, ông Taweesap Siraprapasiri nói.

Ông Taweesap Siraprapasiri cho biết, trong thời gian tới, song song với chiến lược huy động nguồn lực từ cộng đồng, Thái Lan sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại... Chẳng hạn, Thái Lan sẽ tập trung đẩy mạnh công tác can thiệp, cũng như truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn xét nghiệm HIV (10% người dân -30% nhóm có hành vi nguy cơ cao và điều trị CD4<350); trong 5 năm tới phấn đấu đạt 90% nhóm hành vi nguy cơ cao được tham gia chương trình xét nghiệm tự nguyện HIV và điều trị cho tất cả không phụ thuộc vào CD4. Việc triển khai dịch vụ điều trị ARV không phụ thuộc vào mức CD4 sẽ được Thái Lan khởi động vào tháng 10/2014.
Top