Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở

21/04/2015 16:11

Đó là nhận xét của Đoàn nghị viện Hàn Quốc trong buổi thăm quan thực địa ngày 21/4 về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm y tế quận Long Biên, Hà Nội, do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

 

Đoàn công tác trao đổi với bác bệnh nhân, cán bộ y tế về công tác điều trị Methadone - Ảnh Thùy Chi

Tại trung tâm Y tế quận Long Biên, đoàn nghị viện Hàn Quốc đã tham quan tìm hiểu về các dịch vụ y tế đang được cung cấp, các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu; các mô hình phòng khám đa khoa, phòng khám và điều trị Lao. Đồng thời, thăm khu điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, phòng tư vấn xét nghiêm HIV tự nguyện, phòng khám ngoại trú và trao đổi với bác bệnh nhân, cán bộ y tế về công tác điều trị.

Tại cuộc họp với cán bộ Trung tâm Y tế quận Long Biên, đoàn nghị viện Hàn Quốc và các đại biểu cũng được nghe BS. Ngô Văn Giá, Giám đốc trung tâm y trình bày về kết quả hoạt động của trung tâm y tế cũng như thành tựu đạt được trong những năm qua. Theo đó, tính đến ngày 31/3, lũy tích người nhiễm HIV trên địa bàn là 1.551 người, lũy tích HIV/AIDS đã tử vong là 376 người, số còn sống quản lý trên địa bàn là 289 người.

Về số người nghiện ma túy trên địa bàn, tính đến cuối tháng 2/2015 phát hiện 1.001 người nghiện ma túy, số người hiện có mặt tại địa phương là 679 người. Hiện trung tâm đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 407 bệnh nhân, trong đó 100% được sang lọc HIV, VGB, VGC, Lao, tâm thần định kỳ 6 tháng/lần…

Đại diện Đoàn nghị viện Hàn Quốc đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận về công tác phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh Thùy Chi

Cũng tại cuộc họp, đoàn nghị viện và các đại biểu cũng trao đổi về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc chăm sóc điều trị Lao cho người nhiễm HIV, việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS và cách tiếp cận đối với những người nguy cơ cao nhiễm HIV.

Thay mặt Đoàn nghị viện Hàn Quốc, ông Juyoung LEE - Trưởng đoàn công tác đánh giá: “Việt Nam đã triển khai rất có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi vô cùng khâm phục công việc mà các bạn đang triển khai cho người nhiễm HIV. Đồng thời, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình hiệu quả như thế này thông qua Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét”.

Quỹ Toàn cầu là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 2002 theo đề nghị của Liên Hợp Quốc. Quỹ có trụ sở tại Giơ Ne vơ, Thụy Sỹ. Nguồn vốn của Quỹ được đóng góp từ các quốc gia, tổ chức chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân.

Hàng năm, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ khoảng 1 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tại khoảng 140 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, Hàn Quốc là một trong các nước đóng góp viện trợ lớn cho Quỹ.

Ông Svend Robinson, đại diện Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét phát biểu tại buổi họp - Ảnh Thùy Chi

Tại Việt Nam, từ năm 2002, với sự hỗ trợ của Quỹ và Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã xây dựng các dự án đề xuất Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ. Cũng từ đây các dự án do Bộ Y tế xây dựng liên quan đến 3 căn bệnh này đã được Quỹ phê duyệt và chính thức hỗ trợ liên tục đến nay.

Trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ đã hỗ trợ Việt Nam các vòng 1 (2004-2008), vòng 6 (từ 2008-2012), vòng 8 (2010-2014) và vòng 9 (2011-2015) với tổng ngân sách cam kết qua các vòng lên tới trên 193 triệu USD để bù đắp vào những thiếu hụt của chương trình quốc gia.

Dựa vào nguồn hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu, Dự án phòng, chống HIV/AIDS đã liên tục được triển khai mở rộng địa bàn. Bắt đầu từ năm 2004, dự án vòng 1 mới chỉ bao phủ 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất Việt Nam. Sang năm 2010, Dự án mở rộng ra 31 tỉnh, thành phố và đến năm 2011 đã bao phủ tổng số 53 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo Cục phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế quận Long Biên - Ảnh Thùy Chi

Dự án đã cung cấp hầu hết các dịch vụ như tư vấn xét nghiệm, điều trị và điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, điều trị ARV, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, dự phòng lây truyền mẹ con, chương trình khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm sạch, tăng cường sử dụng bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Hiện dự án không chỉ triển khai trong ngành y tế mà còn có sự tham gia của các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Top