“Việt Nam cần tham vọng với những mục tiêu của mình”

29/02/2016 17:28

Sự tham gia mạnh mẽ, rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, chia sẻ, kết nối một cách hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV trong cộng đồng.

Giám đốc Quỹ Toàn cầu phụ trách khu vực Đông Nam Á Urban Johannes Weber - Ảnh: Thùy Chi

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng, chống HIV/AIDS ở các nước khác trên thế giới và tại Việt Nam, Giám đốc Quỹ Toàn cầu phụ trách khu vực Đông Nam Á Urban Johannes Weber nhận định: “Tôi nghĩ rằng, trên toàn thế giới không một quốc gia nào có thể đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS nếu ko có sự hỗ trợ của tổ chức xã hội dân sự. Tại Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự thực sự có vai trò rất sâu rộng và hoạt động hiệu quả. Họ có một vị trí thuận lợi để tiếp cận nhóm mục tiêu: nhóm có nguy cơ người nhiễm HIV, nhóm tiêm chích, nghiện hút, nhóm hành nghề mại dâm…”.

Theo Tiến sĩ Urban Weber, thật khó để các cơ quan chính phủ có thể trực tiếp tiếp cận được các nhóm đối tượng đích này. Tuy nhiên, nhóm xã hội dân sự vừa gần gũi và thấu hiểu được các nhóm mục tiêu trên. Ở Việt Nam, chính phủ đã phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự rất tốt. Nhờ thế, các chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt. Đây là một ví dụ điển hình cho các nước khác học hỏi.

So sánh các yếu tố xã hội học giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Tiến sĩ Urban Weber nhận xét, các nước này đều có những điều kiện xã hội tương đương như: tình trạng tiêm chích, nghiện hút, hoạt động mua bán mại dâm… dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu so sánh với Nam Phi, tại Việt Nam mỗi năm có thêm 14.000 ca nhiễm mới HIV, ở Nam Phi là 500.000 ca nhiễm mới. Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp đôi dân số Nam Phi. Như vậy, điều này cho thấy, Chính Phủ Việt Nam và các chiến dịch kiểm soát tình trạng lây nhiễm mới HIV/AIDS ở nước này đang rất hiệu quả. “Chúng ta có thể nhận thấy những kết quả này từ việc tập trung vào phương pháp điều trị, cung cấp bao cao su, sự tham gia tích cực của xã hội dân sự. Chính vì vậy, tôi cho rằng các quốc gia khác nên học tập Việt Nam trong lĩnh vực này”, Tiến sĩ Urban Weber nói.

Đặc biệt, trong năm 2015 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam khống chế dịch HIV với 3 giảm, giảm số người nhiễm HIV mới, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm tử vong do AIDS. Đạt mục tiêu thiên niên kỷ về HIV, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đạt mốc giảm 50% số ca nhiễm HIV mới so với năm 2000. Việt Nam đã đánh dấu 25 năm phòng, chống HIV/AIDS bằng rất nhiều thành tựu và đây chỉ là một thành tựu nhỏ trong những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.

Tuy nhiên, hiện nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh là thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế) do Liên Hợp Quốc phát động nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Theo Tiến sĩ Urban Weber, Việt Nam cần phải có những yếu tố và thực hiện những trọng tâm chính để có thể đạt được mục tiêu. Ông Urban Weber nhận định, đây là một nhiệm vụ khó. “Tuy nhiên, Việt Nam cần tham vọng với những mục tiêu của mình. Thực tế, chúng ta có các công cụ khoa học, chúng ta hiểu các phương pháp để đẩy lùi HIV như: methadone, ARV, bao cao su và các liệu pháp điều trị. Cùng với rất nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta sẽ cùng nhau chống lại căn bệnh thế kỷ này. Tôi tin rằng, nếu có quốc gia thành công trong việc đạt được mục tiêu này. Đấy chính là Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trong thời gian tới”, Tiến sĩ Urban Weber khẳng định.
Top