Tuyên Quang: Nghị lực của những người nhiễm HIV

20/09/2019 14:12

Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhiều người bị nhiễm HIV đã từng đi qua khoảng thời gian đen tối nhất của cuộc đời khi sức khỏe và tinh thần đều suy kiệt. Nhưng bằng nghị lực phi thường cũng như niềm tin với cuộc sống, họ đã vươn lên làm lại cuộc đời, tiếp tục sống khỏe và có ích.

Thành viên nhóm Giáo dục đồng đẳng huyện Yên Sơn phát bơm kim tiêm miễn phí
cho người nghiện ma túy.

Hơn 10 năm chung sống với HIV, chị Nguyễn Thị Nghĩa, thôn Tam Trinh, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) từng trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Chị tâm sự, năm 2007, khi sức khỏe chồng yếu dần đi cũng là lúc chị phát hiện mình bị mắc bệnh HIV do lây nhiễm từ chồng. Khi ấy phương tiện truyền thông còn chưa phổ biến, chị chưa hiểu rõ về bệnh nên cuộc sống gần như bị đảo lộn, ruộng nương bỏ bê, không thiết tha làm ăn kiếm sống.

Là một trong những người đầu tiên phát hiện bị nhiễm bệnh trên địa bàn xã, vợ chồng chị được Trạm trưởng Trạm Y tế tư vấn về bệnh, khuyên đi xét nghiệm, kiểm tra và sử dụng thuốc điều trị. Năm 2008, chồng chị mất, hoàn cảnh càng thêm khó khăn khi chỉ còn chị và 2 con nhỏ. Được sự động viên của gia đình cũng như bác sỹ, chị cho 2 con đi khám và yên tâm khi các con đều khỏe mạnh. Lúc ấy, một mình chị làm đủ việc từ thu gom phế liệu, làm thuê rửa bát, phát nương rẫy để duy trì cuộc sống và nuôi con. Đến nay, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chị vẫn chăm lo lao động, sản xuất và nuôi dạy con cái. Không những vậy, chị còn tích cực sinh hoạt trong nhóm Giáo dục đồng đẳng, tham gia tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí…

Đối với một số người, việc tham gia nhóm Giáo dục đồng đẳng tại địa phương là một trong những cách để quay trở lại với cuộc sống bình thường, được làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng từng có thời gian sống trong lo sợ, khủng hoảng, chán chường khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ. Anh Tuyên tâm sự, thời gian ấy nghĩ mình sẽ chết nên anh sống xa lánh gia đình và cộng đồng, tinh thần và sức khỏe ngày càng giảm sút. Năm 2012, anh biết đến nhóm Giáo dục đồng đẳng huyện Yên Sơn, là nơi những người mắc bệnh cùng sinh hoạt, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống nên anh đã xin tham gia. Trong khoảng thời gian đó, anh cũng đến Trung tâm Y tế huyện để được khám và sử dụng thuốc ARV. 7 năm được sinh hoạt, giao lưu, tham gia các lớp tập huấn về công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, anh như được sống lại một lần nữa. Vượt qua mặc cảm, được sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng, nay anh đã có công việc ổn định với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Tô Hoàng Sâm, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến nay, toàn tỉnh phát hiện 2.384 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó số người còn sống là 1.560 người, số người tử vong là 824 người. Hiện nay, bệnh đã được phát hiện tại 7/7 huyện, thành phố với 125/141 xã, phường, chiếm 88,6%. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS đã được trung tâm triển khai thực hiện. Trong đó có việc thành lập 3 nhóm Giáo dục đồng đẳng tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang, là nơi có số người nhiễm HIV cao trên địa bàn tỉnh (nâng số lượng toàn tỉnh lên 4 nhóm, trong đó huyện Yên Sơn có 2 nhóm, Sơn Dương và TP Tuyên Quang, mỗi địa phương có 1 nhóm).

Từ đầu năm đến nay, các thành viên nhóm đã phát  180.000 bơm kim tiêm miễn phí cho hơn 400 đối tượng tiêm chích ma túy, phát 130.000 bao cao su cho các nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh. Các nhóm cũng tham gia trên 600 buổi truyền thông, tư vấn giáo dục cho trên 60.000 lượt người. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thăm hỏi ốm đau, giao lưu chia sẻ giữa các thành viên. Qua đó cùng động viên nhau tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã biết vươn lên trong cuộc sống. Từ đó vượt lên số phận, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Top