Tự chủ nguồn lực trong công tác phòng chống AIDS

29/08/2014 18:43

Theo bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng chống AIDS (Bộ Y tế), trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho phòng chống AIDS đang dần sụt giảm, cần tiếp tục chú trọng đến việc lồng ghép các mô hình phòng, chống AIDS với hệ thống y tế sẵn có; tập trung phân bổ có trọng tâm nguồn lực từ ngân sách để hướng đến mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm”. Ảnh: Hiểu Minh.

Ngày 29/8, tại TPHCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội và Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy… Đặc biệt, vấn đề huy động nguồn lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo báo cáo của Cục phòng chống AIDS (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có gần 220.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ nhiễm cao nhất với 408/100.000 dân.

Thực tế hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững do chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí viện trợ quốc tế (trên 80%); trong đó, 100% thuốc Methadone, 95% thuốc ARV là từ nguồn viện trợ.

Hiện tại nhiều dự án hỗ trợ đã kết thúc, một số dự án đang cắt giảm kinh phí khá nhiều, đồng thời ngân sách dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng cắt giảm khoảng 2/3 trong thời gian gần đây (từ 245 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 83 tỷ đồng năm nay).

Theo bà Kristan Schoultz, đại diện Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS), khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, các quốc gia nghèo và trung bình cần tìm giải pháp tối đa hóa nguồn nhân lực, lên kế hoạch làm việc hiệu quả hơn nhằm giảm chi phí ở mức thấp nhất.

Mặc dù 25 năm qua, Việt Nam đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng kết quả này đang bị đe dọa do suy giảm nguồn tài chính. Đây cũng là điểm tương đồng của hầu hết của các quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng chống AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh nguồn lực quốc tế dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS dần sụt giảm, từ sự phối hợp với UNAIDS và các tổ chức khác, thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng Chiến lược đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề cụ thể như củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS theo hướng lồng ghép và phân cấp để tăng cường tính hiệu quả và bền vững; tập trung đầu tư cho các vùng trọng điểm và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo bà  Hương, để chủ động lên kế hoạch ứng phó dịch bệnh HIV/AIDS trong thời gian sắp tới, Cục phòng chống AIDS sẽ đề xuất Chính phủ tăng cường kinh phí phòng, chống HIV/AIDS bằng cách xây dựng "Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020", đồng thời tăng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo nguồn kinh phí bền vững, tự lực.

Cục phòng chống AIDS đề nghị đơn vị Bảo hiểm Xã hội thực hiện việc chi trả cho bệnh nhân điều trị và sử dụng thuốc ARV, đồng thời xã hội hóa các dịch vụ cho người nhiễm HIV giúp họ có điều kiện điều trị; tiếp tục tranh thủ viện trợ từ quốc tế, giãn thời gian viện trợ, tìm nguồn viện trợ mới nhằm đủ thời gian tự lực về mọi mặt.

Top