Triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020

06/11/2020 16:35

Năm 2020 là năm có nhiều dấu mốc đánh dấu các sự kiện quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, do đó Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề Tháng Hành động là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

 Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2020 tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Các hoạt động trong Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu tập trung tổ chức các hội nghị, hội thảo; các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS gồm Lễ ra quân phát động tháng hành động, Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12) tại các địa phương, đơn vị; tăng cường các hoạt động truyền thông và vận động hưởng ứng, chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số...

Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị.

Kết thúc Tháng Hành động, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tháng Hành động có 16 khẩu hiệu được lựa chọn gồm:

1. Cộng đồng chung tay - Kết thúc ngay dịch AIDS;

2. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn;

3. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân;

4. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện;

5. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau;

6. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần;

7. Điều trị ARV ngay khi phát hiện giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác;

8. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời;

9. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

10. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân;

11. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV;

12. Khi điều trị mà không còn phát hiện virus – không có lây truyền HIV cho bạn tình;

13.  PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV;

14. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS;

15. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2020;

16. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020.

 

Top