Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được bú sữa mẹ

30/06/2015 14:26

Trước đây các chuyên gia khuyến cáo trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV tuyệt đối không được bú mẹ, tuy nhiên mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra khuyến cáo ngược lại.

 

Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không được can thiệp điều trị dự phòng phụ nữ có thể lây truyền HIV sang con theo từng giai đoạn khác nhau. Có khoảng 5-10% trẻ nhiễm HIV từ mẹ trong quá trình mang thai, 10- 15% trong quá trình chuyển dạ, đẻ và 5- 20% trong thời gian cho con bú. Trong trường hợp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì trong 6 tháng tỷ lệ trẻ nhiễm là 20- 35%, đến 24 tháng từ 30- 45%.

Ths Nguyễn Lan Hương - Phó phòng điều trị và chăm sóc HIV/AIDS thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, lúc bà mẹ mang thai hoặc cho con bú thì lượng virus trong máu cao dễ làm trẻ lây nhiễm HIV hơn. Càng nhiễm HIV thể nặng mà không được điều trị thì lượng virus trong máu càng cao, đây chính là tác nhân khiến nguy cơ lây truyền sang con rất lớn. Do đó, thời gian trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì thời gian bú mẹ càng dài, nguy cơ nhiễm virus càng cao.

Tuy nhiên, việc WHO đưa ra khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất, bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh, đặc biệt là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Đồng thời, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước, do đó trẻ không cần thức ăn, nước uống nào khác.

Sữa mẹ luôn có sẵn, không cần thời gian chuẩn bị. So với ăn hỗn hợp thì bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu nguy cơ nhiễm HIV thấp hơn. Vì thế, Bộ Y tế cho rằng, nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì có thể lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ trong vài tháng đầu. Lúc này trẻ không được nuôi dưỡng tốt sẽ bị suy dinh dưỡng và nhiễm nhiều bệnh tật gây nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc cho con bú mẹ hoặc ăn sữa ngoài hoàn toàn. Tuyệt đối không không nên cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn sữa ngoài thay thế. Nếu kết hợp cả hai cách trẻ sẽ càng có nguy cơ nhiễm HIV cao, thậm chí cao hơn khi trẻ chỉ bú mẹ.

Đồng tình với quan điểm trên, BS. Đỗ Quang Hà, phụ trách chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nếu vẫn cho con bú thì vẫn sẽ còn nguy cơ lây nhiễm với tỷ lệ thấp. Việc cho trẻ dùng hỗn hợp cả bú mẹ và sữa ngoài khiến cho tỷ lệ lây nhiễm HIV cao hơn cả việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn vì những tổn thương bằng chất lạ gây ra đối với đường ruột của trẻ.

Tỷ lệ lây nhiễm HIV phụ thuộc vào điều kiện của từng người, nếu bà mẹ được điều trị sớm và điều trị tốt thì việc cho bú sữa mẹ là an toàn. Tuy nhiên phải bảo đảm các dụng cụ và cách thức an toàn, sạch sẽ.

Ths Nguyễn Lan Hương khuyến cáo, khi bà mẹ lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ, cho trẻ bú đúng cách để tránh làm nứt núm vú, viêm vú của mẹ vì cả hai đều có thể tăng nguy cơ lây truyền HIV.

Trong trường hợp gia đình có điều kiện kinh tế, môi trường sống tốt, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt hàng ngày, nhằm cắt đứt hoàn toàn đường lây truyền HIV từ mẹ sang con, thì bà mẹ nên lựa chọn nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế mà không cho trẻ bú mẹ.

“Khi pha sữa, chuẩn bị thức ăn cho trẻ phải được giữ vệ sinh tuyệt đối nếu không sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu nước không được đun sôi, không đủ sạch để pha sữa thì trẻ rất dễ bị tiêu chảy hoặc có thể bị suy dinh dưỡng”, Ths Hương nói.

Để kiểm soát và theo dõi diễn tiến bệnh kịp thời, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện xét nghiệm và điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.
Top