Trang tin Tiếng Chuông đoạt giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS

15/12/2014 11:57

Trang tin điện tử Tiếng Chuông (trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đoạt giải C và giải Khuyến khích cuộc thi Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ IV.

Sáng ngày 15/12, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức cuộc Gặp mặt phóng viên báo chí và tổng kết, trao giải Báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ IV.

TS Trần Bá Dung, Trưởng Ban Giám khảo phát biểu tại lễ trao giải

Hai tác phẩm đoạt giải dành cho Báo Điện tử của Trang tin Tiếng Chuông bao gồm: Tác phẩm đoạt giải C, Mở rộng điều trị Methadone: khó khăn và giải pháp và giải Khuyến khích là tác phẩm Không có tình trạng thiếu nữ bản Poọng không dám lấy chồng vì “ám ảnh” HIV.

Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ IV được tổ chức nhằm mục đích góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các tác phẩm báo truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước. Đồng thời, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có những tác phẩm báo chí chất lượng tốt về HIV/AIDS.

Sau 10 tháng phát động, đến ngày 20/10/2014, Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS năm nay đã có sự tham gia của hơn 620 tác phẩm các thể loại báo in, báo điện tử, báo phát thanh và tác phẩm báo truyền hình từ khắp các địa phương trong cả nước và các cơ quan báo chí trung ương.

Những tác giả đoạt giải A

Ban Giám khảo đã quyết định lựa chọn, trao giải cho 47 tác phẩm tiêu biểu và 02 Giải dành cho các tập thể có nhiều các tác phẩm gửi tham gia giải. Trong đó, giải cho báo điện tử bao gồm: 02 giải A, 03 giải B, 02 giải C và 04 giải Khuyến khích. Giải cho báo in bao gồm: 03 giải A, 03 giải B, 03 giải C và 16 giải Khuyến khích...

TS Trần Bá Dung, Trưởng Ban Giám khảo - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tham dự Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS năm 2014 là những tác phẩm phản ánh tình hình lây nhiễm HIV và công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam; những gương điển hình và các mô hình hiệu quả của các tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS; gương các nhà lãnh đạo đi tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; gương những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đã vượt lên bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, sống có ích; những mô hình hoạt động “Sinh kế”, tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình của người nhiễm HIV…

Đặc biệt, trong giải báo chí lần này, có nhiều tác phẩm viết về vấn đề chống kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; những mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả; hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone), điều trị bằng ARV và những vận động chính sách liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.

“Nhiều tác phẩm tham dự đã thể hiện công sức, trí tuệ, tâm huyết của cá nhân tác giả, nhóm tác giả với những tác phẩm sinh động, giàu tư liệu, giàu hình ảnh thực tế từ những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh tận vùng núi cao, vùng xa xôi hiểm trở... Những tác phẩm cho thấy tác giả không chỉ tác nghiệp bằng sự quan sát, phân tích mà còn bằng cảm xúc và sự cảm thông, chia sẻ với những người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, TS Trần Bá Dung cho hay.

 02 Giải A cho Báo Điện tử: Tác phẩm Đi qua khung cửa hẹp của nhóm tác giả Báo Tuổi trẻ TP.HCM; Tháo gỡ nút thắt về kinh phí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam của Báo Điện tử Vietnamplus.

03 Giải A cho Báo in: Tác phẩm Đứng lên từ nỗi đau, nhóm tác giả Báo Phú Yên; Vượt giông tố cuộc đời để tô sắc cầu vồng lên những phận người tăm tối của Báo Pháp luật Việt Nam; Chuyện đời tôi, tác giả tỉnh Bắc Giang.

 

01 Giải A cho phát thanh: Tác phẩm Người nhiễm HIV và hành trình trở về cộng đồng của nhóm tác giải VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

02 Giải A cho truyền hình: Tác phẩm Phòng chống HIV/AIDS từ quyền tiếp cận dịch vụ y tế của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam; Chuyện tình Methadone của nhóm tác giả Đài PTTH Hải Dương.

 

Top