Tình thương sẽ vá lành những mảnh đời nhiễm HIV

20/12/2011 13:48

Họ là hiện thân của những số phận rủi ro nhiễm căn bệnh thế kỷ, song cái chết báo trước không xóa nổi tình yêu cuộc sống. Họ tự nguyện viết lại câu chuyện đời mình bằng ảnh, như nhắc nhở sự quan tâm của xã hội và cảnh báo những bạn trẻ đang trên đà sa ngã. 06 bộ ảnh về cuộc sống của họ đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm diễn ra tại Hà Nội nhân Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Hai mẹ con chị M tại triển lãm ảnh.

"Tôi nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy. Từ khi anh mất, cuộc sống với đứa con côi 3 tuổi vô vùng vất vả", chị Q.T.M, 26 tuổi, người Hải Phòng, tác giả của một trong sáu bộ ảnh tham dự "Triển lãm về cuộc sống của những người sống cùng HIV/AIDS", tâm sự. Từ ngày mắc căn bệnh thế kỷ, chị đã thử đi xin việc nhiều nơi, song thường chỉ được 1-2 ngày, thấy người cùng làm có thái độ xa lánh là chị lại xin nghỉ việc. Bạn bè, hàng xóm từ ngày biết hoàn cảnh của chị đã lặng lẽ lánh xa, nếu có gặp, họ cũng ngoảnh mặt quay đi. Gia đình hầu như không còn biết trông cậy vào ai.

Bữa cơm của hai mẹ con trông chờ vào cả đầm rau muống phía sau nhà. Khổ nhất là những lúc ốm đau, chỉ có cô gái nhỏ quanh quẩn bên mẹ, có khi chị nằm bệt cả tuần mà chẳng ai hay. Tình thương duy nhất mà hai mẹ con nhận được là từ những người cùng cảnh ngộ, là nắm cơm, bát cháo của những người cũng bị nhiễm HIV. "Ngay cả hội phụ nữ phường, xã, cả năm cũng chỉ hỗ trợ đôi lần món quà nhỏ...", chị nói.

Ước mơ dung dị của chị là giờ đây có được chút vốn nho nhỏ làm chăn nuôi để có tiền nuôi con. Cũng có lần chị đã tích cóp được 700.000 đồng, nhưng nuôi được lứa lợn đầu tiên lại chết hết cả. "Con của người nhiễm HIV/AIDS thiệt thòi lắm, tôi mong sao xã hội có chính sách hỗ trợ nào đó để các cháu có được những quyền bình thường như những đứa trẻ khác", chị nói.

Ảnh triển lãm: Bữa cơm của hai mẹ con chị M trông cả vào đầm rau muống sau nhà.

May mắn hơn chị M, anh Đ.Đ.T, 27 tuổi, người Quảng Ninh, đã tìm được chỗ làm đủ nuôi sống mình sau khi lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ gái mại dâm. "Cơ quan cũ khi biết chuyện đã cho tôi thôi việc với số tiền trợ cấp ít ỏi. Lúc ấy, nhìn cảnh bạn bè tan tầm, tôi thèm được đi làm quá. Lại nghĩ thương mẹ già dành dụm số tiền ít ỏi nuôi con, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhưng đi xin việc ở nhiều tỉnh đều bị từ chối", anh tâm sự. Hạnh phúc chỉ mỉm cười khi anh T tình cờ gặp tổ chức CARE Việt Nam, tổ chức liên quan đến các dự án cho người nhiễm HIV.

"Trước kia tôi rất sợ những người nhiễm HIV. Nhìn những bức áp phích xương sọ, đầu lâu không tế nhị, tôi lại càng ấn tượng không hay về họ. Giờ đây đến lượt mình, tôi mới thấu hiểu và thèm được xã hội quan tâm đúng mức. Tôi tự thấy mình hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người vì đã có được chỗ làm, dù để được thế cũng là muôn nỗi cơ cực", anh nói. Cũng theo anh T, những người nhiễm HIV hiện nay mới chỉ được coi như "đối tượng" của các chương trình phòng, chống AIDS, là các cộng tác viên đồng đẳng tham gia bán bao cao su, phát kim tiêm, tài liệu.... Trong khi chính họ mới là người thực sự hiểu về giới mình, và mong muốn trở thành người xây dựng, triển khai các chương trình này.

Ảnh triển lãm: Lúc đau ốm, chị M chỉ có cô con gái nhỏ ở bên.

Chị P.T. H (26 tuổi, Tiên Lãng, Hải Phòng) hay tin dữ khi sinh mổ đứa con đầu lòng. Ngay lập tức, chị cảm nhận được sự xa lánh của các bác sĩ. "Tôi được chuyển ra phòng riêng, và thậm chí còn không được phát váy dành riêng cho sản phụ nữa". Khi về nhà, chị gặp phải sự e dè của gia đình nhà chồng, hàng xóm. Chồng chị từng là đầu bếp của một khách sạn, nhưng cũng đã buộc phải thôi việc khi được nhắc khéo là có thể gây tâm lý lo ngại cho thực khách. Đến giờ, đứa con trai đã được 3 tuổi nhưng chị vẫn không dám cho cháu đi nhà trẻ, chỉ vì "tôi từng nghe được có gia đình hàng xóm dặn con không chơi với cháu. Nếu cháu đi nhà trẻ nữa, thì trước sau gì cũng không có bạn chơi".

Với chị H, triển lãm này là cơ hội để nói lên nỗi bức xúc của mình, rằng trong xã hội hiện nay sự phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV chưa phải là đã hết. Cũng như chị, hầu hết tác giả của các bộ ảnh triển lãm ở đây đồng ý đưa ảnh mình ra phương tiện thông tin đại chúng để muốn nói rằng câu chuyện của họ là rất thật. Rằng họ cũng là con người, cũng cần có việc làm, có thuốc chữa trị để kéo dài cuộc sống.

Tất bật chuẩn bị cho buổi triển lãm, khuôn mặt chị H, chị M và những người bạn ánh lên nụ cười tự tin. Chị M nói: "Chúng tôi đủ nghị lực để tự mình vươn lên, chỉ xin cộng đồng hãy bao dung với những người không may mắn này, bởi chúng tôi cũng là nạn nhân mà thôi, và cũng có những ước mơ cuộc sống như người thường. Tôi tin rằng sự tiếp nhận của xã hội cũng sẽ giúp nhiều người nhiễm bệnh không bị đẩy đến chỗ tiêu cực, đi lây tiếp cho người khác".

Top