Tiền Giang: Hơn 1.700 người nhiễm HIV tiến triển bệnh AIDS

11/12/2020 11:54

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phát hiện 5.519 người nhiễm HIV (trong đó có 3.680 người có hộ khẩu trong tỉnh và 1.839 người ngoài tỉnh) với trên 70% người nhiễm HIV là nam giới.

 Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Trong đó, hơn 1.700 người tiến triển sang AIDS và gần 1.200 người trong số này đã tử vong do AIDS. TP. Mỹ Tho là địa phương có số người nhiễm HIV được phát hiện cao nhất tỉnh, với gần 830 người, chiếm 22,5% những người nhiễm HIV được phát hiện. Hiện cả tỉnh chỉ còn duy nhất xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước là chưa phát hiện người nhiễm HIV.

Trong các nguyên nhân lây nhiễm HIV thì nhiễm HIV qua đường tình dục là nguyên nhân chiếm đa số các ca mắc, với 95,86%; lây truyền qua đường máu mà chủ yếu là do tiêm chích ma túy chiếm 2,07% và lây truyền từ mẹ sang con chiếm 1,49%; còn lại 0,58% người nhiễm bệnh nhưng không rõ nguyên nhân.

Người nhiễm HIV hiện nay không chỉ dừng lại trong đối tượng người có hành vi nguy cơ cao như gái mại dâm và người tiêm chích ma túy mà rất đa dạng ngành nghề, có cả người lao động tự do, công nhân, nông dân và có xuất hiện cả trong đối tượng là công an, bộ đội, nhân viên hành chính, học sinh, sinh viên…

Đặc biệt, HIV xuất hiện đáng báo động trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng tính. Tỷ lệ này vào cuối năm 2005 là 0,44%, đến 2010 là 2,7% và đến tháng 6-2020 đã tăng lên mức 13,3%.

Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh, tình hình phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS năm 2020 cho thấy, HIV/AIDS trên địa bàn Tiền Giang chưa có xu hướng giảm. Số người nhiễm HIV mới phát hiện tăng so với chu kỳ 5 năm. Cụ thể trong 23 năm, từ năm 1992 đến năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 2.473 người nhiễm HIV, tổng số người nhiễm HIV đến tháng 6-2020 là 3.680 ca. Như vậy, số người nhiễm HIV của Tiền Giang đã tăng 1.207 người chỉ trong 5 năm 2015 - 2020.

Tuy số người nhiễm HIV tăng nhưng số người chuyễn sang giai đoạn AIDS đã giảm đáng kể. Giai đoạn 2010 - 2015 có 556 người bệnh AIDS thì giai đoạn 2015 - 2020 chỉ ghi nhận 221 người, tức giảm 310 người. Điều này cho thấy hiệu quả của việc quản lý người bệnh, phát hiện và đưa vào điều trị sớm các trường hợp mắc bệnh HIV/AIDS.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho thấy, hiện 100% phụ nữ nhiễm HIV tại Tiền Giang được điều trị ARV để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm sớm virus học trong vòng 2 tháng sau sinh; 100% người nhiễm HIV được chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng. Hoạt động khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đã góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ bị lây truyền HIV cho đối tượng có nguy cơ cao.

Từ năm 2019, BHYT chính thức thanh toán chi phí điều trị cho người nhiễm HIV như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác. Đây là cơ hội để người nhiễm HIV được điều trị sau khi các nguồn thuốc ARV viện trợ chấm dứt. Hiện nay, trên 91% bệnh nhân AIDS trong tỉnh Tiền Giang có thẻ BHYT.

Để thiết thực góp phần đấu tranh kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt mục tiêu 90-90-90 thông qua việc triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như  tăng cường tuyên truyền phổ biến các kiến thức cần thiết cho mọi người về HIV/AIDS, nâng cao năng lực hệ thống y tế thông qua việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ y tế để được chăm sóc, điều trị có chất lượng.
Top