Thông tin cần thiết về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS

03/10/2017 15:39

Bệnh nhân phải trả 100% khung giá tối đa mức khám chữa bệnh nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT). Vì vậy, BHYT là một trong những giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Người tham gia bảo hiểm y tế được cấp thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh. Ảnh: Thùy Chi

BHYT giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi bị ốm đau, bệnh tật. Chi phí cho việc điều trị là rất lớn, có thể vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh, trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Đối với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác, phải điều trị bằng thuốc kháng virus ARV liên tục và suốt đời.

Trong thời gian tới, khi không còn thuốc trợ cấp miễn phí, quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám, điều trị bệnh, xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con (bao gồm cả tiền thuốc và chi phí xét nghiệm) và các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Do đó, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng để chi trả bởi nếu không có thẻ BHYT, một người nhiễm HIV phải chi trả hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các chi phí thuốc ARV, xét nghiệm…

Theo quy định hiện hành, người dân nói chung và người nhiễm HIV nói riêng có thể mua thẻ BHYT tại đại lý thu BHYT như: Đại lý thu bưu điện, đại lý thu tại UBND xã, phường nơi cư trú hoặc trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện để mua BHYT.

Các giấy tờ cần thiết gồm: Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tờ khai tham gia BHYT mẫu D01-HGĐ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, thẻ BHYT được cấp miễn phí.

Đối với người nhiễm HIV là lao động ngoại tỉnh, vẫn có thể tham gia BHYT theo một trong hai cách sau: 1. Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi tạm trú để lao động, sau đó tham gia BHYT bình thường tại nơi tạm trú theo quy định hiện hành. 2. Tham gia BHYT tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú, sau đó sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện nơi tạm trú. Theo quy định hiện nay, việc khám, chữa bệnh đã được thông đến tuyến huyện trên toàn quốc.

Đối với người nhiễm HIV đăng ký chữa bệnh ban đầu, có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, huyện tương đương. Trong một số trường hợp, người nhiễm HIV là đối tượng tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương tương đương theo quy định của Sở Y tế.

Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh có đăng khám và điều trị bệnh HIV trên địa bàn cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Trong trường hợp cần chuyển tuyến trên để điều trị bằng ARV, cần có giấy chuyển tuyến một lần có giá trị cho cả năm.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, cả nước có 349 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, chỉ có 234 điểm điều trị thuộc các bệnh viện tỉnh, huyện là đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT. Còn lại 115 điểm ở các trung tâm phòng, chống HIV của tỉnh và trung tâm dự phòng huyện chưa đủ điều kiện ký hợp đồng với BHYT.

Ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng nên cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV. Vì thế, nếu các cơ sở này muốn được cấp giấy phép khám chữa bệnh thì các cán bộ ở đây phải được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi đi học và thực hành tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, một số cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám chữa bệnh BHYT phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán BHYT.

Độ bao phủ BHYT cho đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định, tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT không ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân, vì việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh nói chung, người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám, chữa bệnh và các quy định khác. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, đồng thời giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.
Top