Thêm hai người "thoát khỏi" HIV nhờ ghép tủy

21/07/2014 16:19

Hai người đàn ông tại Úc đã không còn dấu hiệu virus HIV trong máu tại thời điểm 3 năm sau khi được cấy ghép tủy.

Phương pháp ghép tủy hiện đang là biện pháp chống virus HIV tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại

Các chuyên gia nghiên cứu HIV/AIDS đã cho biết kết quả nghiên cứu đột phá trên tại Hội nghị quốc tế AIDS đang diễn ra tại Melbourne, Úc.

Hai bệnh nhân được cho là không còn virus HIV trong máu đã được ghép tủy để điều trị ung thư bạch cầu và ung thư hạch tại bệnh viện St. Vincent, Sydney, Úc với sự trợ giúp của Viện Kirby, Đại học New South Wales.

Bệnh nhân ung thư bạch cầu (53 tuổi) là người đầu tiên được "chữa khỏi" HIV mà không cần tới gene chống HIV đặc biệt trong tủy xương. Bệnh nhân đã được điều trị từ năm 2011 và được ghép tế bào tủy không có bất kỳ gene chống HIV.

Đối với bệnh nhân ung thư hạch (47 tuổi), người này đã được điều trị vào năm 2010 và đã nhận được tế bào tủy có 1 hoặc 2 loại gene có khả năng chống HIV.

Hiện cả 2 bệnh nhân trên đều đã không còn dấu hiệu của virus HIV trong cơ thể và không bị tái bệnh ung thư. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục được điều trị kháng virus bởi các bác sĩ đề phòng việc virus HIV trong cơ thể họ có thể chỉ đang bị kìm hãm chứ chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện trường hợp bệnh nhân thoát khỏi virus HIV. Timothy Ray Brown, một bệnh nhân ung thư bạch cầu tại Mỹ đã được điều trị bằng cách ghép tế bào gốc từ một người có CCR5 delta32, một loại gen đột biến có khả năng chống HIV vào năm 2007 và 2008. Đến năm 2008, anh Brown được phát hiện đã không còn virus HIV trong máu. Sau khi ngừng uống thuốc kháng virus, anh Brown cho tới giờ vẫn chưa bị tái nhiễm.

Ông Timothy Ray Brown. Ảnh Dailymail

Đến năm 2012, hai bệnh nhân tại Boston cũng được điều trị theo cách tương tự, song tế bào tủy của họ không có CCR5 delta32. Ban đầu, xét nghiệm máu của họ cho thấy virus HIV đã không còn, nhưng sau khi ngừng uống thuốc kháng virus thì xét nghiệm máu lại tiếp tục cho kết quả dương tính với HIV.

Để khẳng định virus HIV được loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể của hai bệnh nhân, các bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ làm là lý giải vì sao cơ thể lại phản ứng với tủy ghép. Một trong những giả thuyết được đặt ra là do khi phản ứng với các tế bào ngoại lai của tủy ghép, hệ miễn dịch sẽ chống lại HIV một cách tích cực hơn thông thường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đang tìm cách tái hiện lại phản ứng của hệ miễn dịch với quá trình ghép tủy thông qua một biện pháp ít nguy hiểm hơn. Hai bệnh nhân người Úc nói trên sẽ được nghiên cứu để xác định xem các virus HIV còn lại trên người họ đang ẩn náu tại bộ phận nào của cơ thể.

Việc ghép tủy có vẻ đang là biện pháp chống virus HIV tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu có đưa ra khuyến cáo mức độ rủi ro trong giải pháp này.

Theo ông David Cooper - Giám đốc Viện Kirby (Đại học New South Wales), ghép tủy có tỷ lệ tử vong lên tới 10%. Nhưng những người bị ung thư bạch cầu hoặc ung thư hạch buộc phải chấp nhận rủi ro đó, vì nếu không thực hiện họ sẽ chết, và ghép tủy có thể giúp họ sống sót. Với những người nhiễm HIV không bị ung thư, các nhà khoa học sẽ không ghép tủy cho họ vì họ vẫn có thể có vòng đời gần như bình thường nếu chỉ điều trị kháng virus thông thường.

Top