Thay đổi hành vi, thái độ của cộng đồng đối với HIV/AIDS

25/10/2018 11:28

Để thay đổi hành vi, thái độ của cộng đồng, Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020 phấn đấu nỗ lực truyền thông hướng tới thay đổi hành vi, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và có khả năng lây nhiễm HIV cao. Dự án có sự giúp sức của 100 tổ chức cộng đồng cùng đội ngũ truyền thông viên đông đảo, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS.

Các đồng đẳng viên của CBO thực hiện chương trình can thiệp dự phòng, phân phát bơm kim tiêm cho người nghiện ma túy (đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV). Ảnh: Thùy Chi

Kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV đang là rào cản lớn nhất từ phía cộng đồng. Để tránh nguy cơ bùng phát các hình thái nhiễm HIV, rất cần các giải pháp đồng bộ nhằm đa dạng hóa các kênh truyền thông, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội về công tác dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

Năm 2017, đại diện Mạng lưới quốc gia về những người sống với HIV (VNP ) dẫn các kết quả nghiên cứu về tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử cho thấy, người bị nhiễm HIV tại Việt Nam không chỉ bị người thân, cộng đồng phân biệt đối xử và kỳ thị, mà họ còn kỳ thị chính bản thân mình.

Kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV và người có khả năng lây nhiễm cao khó khăn nếu muốn tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống khiến tỷ lệ người mắc HIV ngày càng cao. Điều này là trở ngại lớn đối với nỗ lực thực hiện các cam kết liên quan đến HIV/AIDS vốn hữu ích và thiết thực cho cộng đồng người nhiễm HIV và toàn xã hội.

Cho tới nay, tại các cơ sở y tế, nơi học tập, làm việc, ngoài cộng đồng hay trong chính gia đình, người nhiễm HIV đều bị kỳ thị và đối xử bất công. Họ mất quyền bình đẳng, bị cộng đồng xa lánh, bàn tán, thậm chí bị xúc phạm. Nguyên nhân của sự kỳ thị và phân biệt đối xử này phần lớn do sự thiếu hiểu biết và những phán xét đạo đức sai lệch của cộng đồng về HIV/AIDS. Nhiều người cho rằng HIV/AIDS là căn bệnh dễ lây truyền cho dù chỉ qua tiếp xúc thông thường, coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội.

Trong khi đó, công tác phối hợp truyền thông nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như thông tin chưa thường xuyên liên tục; hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng; nội dung thông tin chưa sâu; thời điểm truyền thông trong khung giờ có nhiều người theo dõi còn ít; chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện các mô hình tốt, điển hình tiên tiến; số lượng đối tượng đích và nguy cơ cao về tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV/AIDS được tiếp nhận thông tin còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan; kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS của cán bộ, phóng viên còn thiếu. Đặc biệt, không đủ kinh phí để xây dựng, triển khai các chương trình, tác phẩm truyền thông đa dạng, sâu sắc đáp ứng yêu cầu thay đổi nhận thức, hành vi của các đối tượng thụ hưởng khác nhau.

Tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền dưới nhiều hình thức

Để thay đổi hành vi, thái độ của cộng đồng, Dự án VUSTA có sự giúp sức của 100 tổ chức cộng đồng cùng đội ngũ truyền thông viên đông đảo, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS.

6 tháng đầu năm 2018, đội ngũ truyền thông viên đã nỗ lực, tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Cụ thể, toàn dự án đã tổ chức được 607 buổi truyền thông, tiếp cận truyền thông được hơn 10.000 người trên địa bàn 15 tỉnh thành.

Nội dung truyền thông xoay quanh cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị sớm ARV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV (PrEP, PEP). Theo khảo sát của Ban quản lý dự án VUSTA, sau 6 tháng truyền thông, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đã dần thay đổi theo hướng tích cực. Đặc biệt, Dự án có đường dây nóng tư vẫn pháp luật miễn phí cho những người nhiễm và có khả năng cao lây nhiễm HIV 18001029 của dự án nhằm hỗ trợ pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho người nhiễm HIV.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác truyền thông cần đa dạng, đổi mới và có trọng tâm, trong đó cần ưu tiên truyền thông với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tác động mạnh tới tình hình lây nhiễm như: Nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ hoặc bạn tình của họ. Các thông điệp truyền thông ngoài kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cần nhấn mạnh vào lợi ích của các dịch vụ can thiệp, dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để mọi người nhận thức đúng về dịch và người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm biết được lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm để tiếp cận sớm với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Thu gom bơm kim tiêm bẩn cho chương trình can thiệp giảm hại. Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, đa dạng các kênh truyền thông, lấy truyền thông trực tiếp là chủ yếu để tạo sự thay đổi hành vi và duy trì hành vi bền vững. Lồng ghép triệt để truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động chung của ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tham gia, nhằm giảm tác động của HIV/AIDS. Chú trọng vào các công tác trên,  Dự án VUSTA đang cùng với ngành Y tế nỗ lực hướng tới mục tiêu “90-90-90” của Liên Hợp Quốc vào năm 2020.

Top