Tháo gỡ vướng mắc triển khai chính sách BHYT cho người nhiễm HIV

09/01/2019 14:45

Từ ngày 1/1/2019, Quỹ BHYT bắt đầu thanh toán dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Với nỗ lực bảo đảm quyền lợi cho người nhiễm HIV tham gia BHYT, Bộ Y tế - BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động, triển khai thanh toán thuốc ARV qua Quỹ BHYT tại các tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT tăng từ 30% (năm 2015) lên 89% (năm 2019); thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ 100%.

Người nhiễm HIV sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Thùy Chi

Hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV

Hiện khoảng hơn 200.000 người trong tổng số 93 triệu dân số nhiễm HIV. Chi phí cho điều trị HIV mỗi năm cho người bệnh khoảng 3 triệu đồng tiền thuốc. Tuy nhiên, việc cùng chi trả đối với người nhiễm HIV tham gia BHYT gặp khó khăn, vì phần lớn người nhiễm HIV có điều kiện kinh tế hạn chế, công việc không ổn định. Trong khi đó, để điều trị HIV, người bệnh phải uống thuốc ARV cả đời, chi phí rất tốn kém, nếu bỏ thuốc sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Lường trước được việc này, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành bảo đảm các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV bởi khi người nhiễm HIV được tạo điều kiện tối đa để điều trị thì họ sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm, có như vậy mới khống chế hiệu quả được dịch.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay, đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ, theo đó, gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV; 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất và được Quỹ Toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án, 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay, hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn Quỹ BHYT (tính đến 31/10/2018). Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019, có 186/190 cơ sở ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019, các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Ở tầm vĩ mô, Bộ Y tế - BHXH Việt Nam đang phối hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV nhằm phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT; thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV…

Lợi ích khi người nhiễm HIV tham gia BHYT

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, Thông tư 27/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Cụ thể, quy định việc lập danh sách, đóng BHYT; phạm vi quyền lợi BHYT; khám bệnh, chữa bệnh, chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện BHYT, khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV.

Theo đó, người tham gia BHYT nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ BHYT chi trả: Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả); xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng virus HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Vì vậy, việc người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế ngay từ hôm nay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.

Top