Thanh Hóa: Ưu tiên mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0

19/01/2015 16:08

Trong khi nguồn lực trong nước và quốc tế đang giảm sút thì việc triển khai mô hình thí điểm điều trị 2.0 là hết sức cần thiết. Mô hình này giúp cho việc đưa chương trình xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS tới cộng đồng, đặc biệt tại các nơi vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

 

Điều trị heo mô hình thí điểm 2.0 - Ảnh minh họa

Mô hình điều trị 2.0 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam  khởi sướng, đưa vào triển khai thí điểm ở Việt Nam từ tháng 8/2012 tại 21 xã, phường ở 7 quận, huyện ở tỉnh Điện Biên và thành phố Cần Thơ.

Tại Thanh Hóa, từ tháng 6/2014 đến nay, mô hình điều trị 2.0 được đưa vào thí điểm tại 19 xã, phường cuả 3 Huyện/Thành phố, gồm: Trung Lý, Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Lý (huyện Mường Lát); Phú Thanh, Thành Sơn, Trung Sơn, Trung Thành, Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Hiền Chung (huyện Quan Hóa); Phú Sơn, Tân Sơn, Ngọc Trạo, Đông Vệ, Đông Thọ, Đông Hương, Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Mô hình thí điểm điều trị 2.0 bao gồm 05 thành tố với mục đích: Đơn giản và tối đa hiệu quả phác đồ điều trị ARV (uống 1 viên thuốc/1 ngày thay vì uống 6 viên/2 lần 1 ngày); Sử dụng kỹ thuật chẩn đoán đơn giản tại điểm điều trị như test nhanh tại trạm y tế, xét nghiệm CD4 cầm  tay tại cơ sở điều trị HIV/AIDS; giảm chi phí, lồng ghép chăm sóc điều trị HIV/AIDS vào mạng lưới y tế cơ sở và Huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Sau hơn 6 tháng triển khai, đã có gần 300 bệnh nhân được ưu tiên điều trị phác đồ viên kết hợp và nhận thuốc tại xã, phường; 1.114 trường hợp được tư vấn, xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 15 ca HIV dương tính và đã chuyển sang điều trị ARV.

Ngoài ra, mô hình đã chứng minh tính khả thi của việc phân cấp và lồng ghép các dịch vụ HIV tại trạm y tế xã phường, tính bền vững của chương trình và được bệnh nhân đánh giá cao sự thuận tiện trong việc xét nghiệm và điều trị…

Việc chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh  sẽ tạo điều kiện cho người bệnh sớm biết được kết quả, giúp dễ dàng kết nối với việc đăng ký quản lý nguồn lây nên người bệnh sẽ có cơ hội điều trị ARV sớm, làm giảm nhanh số người chết do AIDS, đồng thời giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh, ưu tiên mô hình thí điểm điều trị 2.0 trên địa bàn, hướng tới mục tiêu không còn người tử vong do AIDS.
Top