Thanh Hóa: Phân cấp, lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV tại tuyến y tế cơ sở

25/12/2015 16:48

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc quyết tâm triển khai thành công phân cấp và lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, các cán bộ huyện, xã triển khai cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện thuốc phiện bằng Methadone cần cố gắng hơn nữa để việc cung cấp dịch vụ được thường quy và hiệu quả.

TS Nguyễn Thúy Vân, đại diện cho Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, phân cấp và lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV tại tuyến y tế cơ sở có tầm quan trọng rất lớn, bởi các lợi ích khi cung cấp dịch vụ tại tuyến cơ sở và một số kết quả đáng ghi nhận của tỉnh khi thực hiện phân cấp và lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV tại tuyến y tế cơ sở.

Tư vấn, xét nghiệm HIV - Ảnh: Bích Ngọc

ThS. Lê Trường Sơn đại diện cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 30/11/2015, tại tỉnh Thanh Hóa số huyện có người nhiễm HIV là 27/27, số xã có người nhiễm HIV là 562/637, tổng số người nhiễm HIV hiện đang sống và quản lý được là 4.001 người, tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV là 2.852 (chiếm 71.3%số người nhiễm HIV quản lý được).

Tại các xã và thôn bản của 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa đã xét nghiệm cho 1.720 người và phát hiện 44 người nhiễm HIV chiếm tỉ lệ 2,8%; Chuyển tiếp thành công 40/44 (chiếm 90,9%) người nhiễm HIV sang cơ sở điều trị HIV/AIDS; Thực hiện lấy mẫu máu tại thôn bản do cán bộ y tế thôn bản thực hiện hoặc do cán bộ y tế xã xuống thôn bản để lấy mẫu máu.

Hiện nay, Thanh Hóa đang cấp ARV tại tuyến xã cho 368 người. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi triển khai: nhóm nguy cơ cao ngại đi xét nghiệm do sợ kỳ thị đặc biệt là ở thành phố; truyền thông về lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị ARV cho người dân tộc thiểu số còn hạn chế do họ không hiểu rõ tiếng Kinh; địa bàn qua rộng, đi lại khó khăn cản trở người bệnh tiếp cận dịch vụ và tuyến trên giám sát tuyến dưới cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và dưới sự hỗ trợ của các dự án trên địa bàn tỉnh công việc cũng dần được ổn thỏa. Các giải pháp khắc phục được thực hiện như cung cấp thông tin cho y tế thôn bản là người dân tộc để họ chuyển tải thông điệp bằng chính ngôn ngữ của họ đến đồng bào của họ; mở mới thêm nhiều điểm cung cấp dịch vụ tại xã để rút ngắn hơn nữa khoảng cách đi lại nhận dịch vụ. Sử dụng hiệu quả đội ngũ đồng đẳng viên để đưa nhóm nguy cơ cao đi xét nghiệm.

Để tăng cường tìm người nhiễm HIV, kết nối để đưa người nhiễm HIV đã biết tình trạng nhiễm HIV của mình vào điều trị ARV và điều trị sớm cho người nhiễm HIV mới phát hiện, đồng thời đẩy nhanh tốc độ nhận thuốc ARV và uống Methadone tại xã phường trên địa bàn, trong thời gian tới, toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung để đạt các mục tiêu 90-90-90 tại 3 huyện/TP có số người nhiễm HIV cao nhất gồm Quan Hóa, Mường Lát và Thành phố Thanh Hóa; quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ y tế xã phường trong công tác tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV và điều trị bằng Methadone

Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp dịch vụ xuống phường xã đã được người dân ủng hộ, không kỳ thị; các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao để tư vấn xét nghiệm định kỳ. Khi có khảng 20-30 người nghiện nên cấp Methadone tại xã.

Kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lấy từ đề án bảo đảm tài chính để củng cố cơ sở cấp Methadone tại xã. Cân đối, ưu tiên cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho những vùng khó khăn, khó tiếp cận dịch vụ, những nơi giàu hơn như thành phố có thể xã hội hóa.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông với sự tham gia của UBND huyện, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn cùng thực hiện. Đối với công tác y tế phải lồng ghép triệt để với công tác dân số, quản lý dịch bệnh; các can thiệp cần rộng hơn, sâu hơn để triển khai hiệu quả và đạt mục tiêu 90-90-90.
Top