Thanh Hóa: Người nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy

17/06/2015 16:57

Tính đến đầu tháng 6, Thanh Hóa phát hiện 6.885 người nhiễm HIV, trong đó 4.165 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.103 trường hợp tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Dịch trong giai đoạn tập trung, các ca nhiễm HIV phát hiện trong nhóm nghiện chích ma túy chiếm 65,68%, nam giới chủ yếu chiếm đến 80,21%.

Điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone là giải pháp giúp giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn - Ảnh: Thúy Vân

Dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố, 562/637 xã, phường, thị trấn. Tỉ suất nhiễm HIV/100.000 dân toàn tỉnh là 162 người nhiễm/100.000 người. Trong đó Mường Lát, Quan Hóa là hai huyện có tỷ suất nhiễm HIV cao nhất toàn tỉnh, trên 1.200 người nhiễm/100.000 người.

Hiện tại, gần 2.590 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn đang còn diễn biến khá phức tạp nếu không tiếp tục tăng cường các biện pháp can thiệp cho các nhóm người nguy cơ.

Theo báo cáo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 6.704 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 126 người so với năm 2014. Số đang sống ngoài cộng đồng là 6.119 người, số đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động là 365 người, đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh là 220 người.

Trong đó, thành phần nghiện ma túy là học sinh, sinh viên 0,15%; cán bộ viên chức 0,45%; công nhân 4,4%; nông dân 53,2%, lao động tự do 20,8%; không nghề nghiệp là 21%. Lứa tuổi nghiện trong khoảng từ 16-18 là 1,6%; từ 18-30 là 41,8%; trên 30 tuổi là 56%.

Người nghiện ma túy có ở 27/27 huyện, thị, thành phố và 459/637 xã phường, thị trấn. Trong đó, Quan Hoá và Mường Lát là hai huyện có số người nghiện ma túy nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Loại ma túy người nghiện sử dụng chủ yếu là heroin, chiếm đến 85%, chính vì vậy, phương pháp điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm này. Tuy nhiên, công tác này lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, do đồng bào vùng cao có trình độ dân trí, nhận thức chưa cao nên quá trình truyền thông, tư vấn của các cán bộ cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện chích ma túy không được thuận lợi. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng lớn, địa hình miền núi giao thông đi lại khó khăn cũng gây trở ngại cho những người nghiện chích ma túy trong quá trình đến cơ sở điều trị. Tại Mường Lát, Quan Hóa có những địa bàn cách xa trung tâm huyện từ 30 đến hơn 50km đường đồi núi. Do đó để duy trì việc ngày 1 lần đến cơ sở điều trị Methadone với người nghiện chích ma túy là rất khó thực hiện, nhiều người nghiện đã không tiếp cận được với thuốc điều trị.

Chính những khó khăn, trở ngại trên đã dẫn đến công tác điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone của hai huyện Mường Lát và Quan Hóa không đạt theo kỳ vọng. Số liệu từ Trung tâm y tế huyện Mường Lát cho thấy, đến cuối năm 2014, sau 1 năm triển khai công tác điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone, toàn huyện mới chỉ có 28 người nghiện chích ma túy tham gia điều trị. Trong số đó, có 8 trường hợp bỏ dở giữa chừng khi đang điều trị. Tại huyện Quan Hóa, chỉ có 11 trường hợp đăng ký chữa trị khi cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện chích ma túy được thành lập. Hết năm 2014 cũng chỉ có tổng số 46 trường hợp tham gia điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại trung tâm này, số lượng bỏ dở điều trị là 13 người.

Để khắc phục tình trạng trên, hai huyện Quan Hóa và Mường Lát đang triển khai thực hiện mở cơ sở điều trị Methadone vệ tinh. Tại huyện Mường Lát sẽ có 2 cơ sở điều trị Methadone vệ tinh được mở ở hai xã Trung Lý và Mường Lý; huyện Quan Hóa mở thêm cở sở tại xã Thành Sơn. Đây là biện pháp nhằm đưa Methadone về với gần khu dân cư có nhiều người nghiện chích ma túy.

Những tín hiệu khả quan ban đầu cho thấy đây là cách làm đúng, mang lại hiệu quả cao. Trung tâm y tế huyện Quan Hóa cho biết, vào tháng 4/2015 cơ sở điều trị Methadone vệ tinh của huyện được mở tại xã Thành Sơn. Chỉ sau 2 tháng triển khai, cơ sở đã và đang tiến hành điều chị cho 64 trường hợp nghiện chích ma túy trên địa bàn.

Cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone là liệu pháp điều trị chuẩn quốc tế cho người nghiện heroin. Khi được kiểm soát chặt chẽ, đây là liệu pháp cực kỳ hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ngoài ý nghĩa dự phòng lây truyền HIV, chương trình methadone còn mang ý nghĩa hết sức nhân văn, giúp người nghiện ma túy trở về với cuộc sống đời thường để tiếp tục học tập, làm việc.

Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp này đòi hỏi người nghiện chích ma túy phải điều trị thường xuyên và lâu dài. Với những khó khăn mang tính đặc trưng của vùng cao Thanh Hóa, cần có những kế hoạch, giải pháp kịp thời để người nghiện ma túy được tiếp cận với thuốc điều trị Methadone để tái hòa nhập cộng đồng.
Top