Thanh Hóa: Gần 4 nghìn bệnh nhân được điều trị thuốc kháng ARV

06/11/2020 14:00

Những năm qua, nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến công tác điều trị bằng kháng virus HIV, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ với người nhiễm HIV/AIDS, tiếp thêm niềm tin để người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng.

  Thanh Hóa mạnh công tác truyền thông tới các khu vực vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đến tháng 9/2020 là 8.513 người, trong đó 4.276 người được quản lý, 3.976 bệnh nhân được điều trị ARV.

Toàn tỉnh hiện có 34 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS gồm 26 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 5 trại giam và tạm giam. Những cơ sở này có đủ khả năng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... để khám và điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, ngành đã kiện toàn, củng cố các điểm cấp phát thuốc ARV, đồng thời tăng cường năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao.

Đối với công tác điều trị ARV, có 3.976 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 3.625 bệnh nhân điều trị tại 34 cơ sở điều trị và 351 bệnh nhân nhận thuốc điều trị tại 12 điểm cấp phát thuốc của 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa; 3.852 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 1 và 124 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2; 983 bệnh nhân được làm xét nghiệm CD4...

Kết quả xét nghiệm tải lượng virus HIV trên các bệnh nhân trong những năm gần đây cho thấy hiệu quả điều trị được duy trì cao. Trong 3 mục tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trên toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra, đó là 93% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi bệnh nhân HIV được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, đồng thời kiểm soát được tải lượng virus ở dưới ngưỡng ức chế, ngăn chặn được sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Hiện tại có 683/3.976 bệnh nhân của 3 địa phương là Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa đã nhận thuốc qua BHYT, đã tạo điều kiện cho những người đang điều trị ARV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV. Đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị bảo đảm chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe.

Anh T., bệnh nhân điều trị ARV cho biết. Khi đi khám tình cờ phát hiện nhiễm HIV, anh cảm thấy mình không thiết sống nữa. Nhưng được các y, bác sĩ tư vấn, khuyên bảo, anh đã tuân thủ điều trị. ARV giúp anh cải thiện sức khỏe, vượt qua mặc cảm. Từ đó anh đi vận động, khuyên nhủ những người có cùng cảnh ngộ hãy chăm chỉ điều trị, tuân thủ tốt để đạt được ngưỡng không phát hiện.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, địa phương sẽ đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán khám, chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân điều trị ARV, đặc biệt là thanh toán xét nghiệm tải lượng virus thông qua BHYT..., từng bước đẩy mạnh công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS; mở rộng các hoạt động cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện.

Mở rộng độ bao phủ các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS; tăng cường hoạt động dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc; theo dõi, đánh giá và ngăn chặn các phản ứng có hại của thuốc ARV trong điều trị HIV/AIDS; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người có HIV tích cực tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.
Top