Thanh Hóa: 93,6% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT

17/04/2019 14:24

Bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2005, hiện Thanh Hóa đang điều trị cho 3.840 bệnh nhân tại 34 phòng khám ngoại trú trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2018, số người điều trị ARV đạt 93,2% trong số bệnh nhân AIDS còn sống trên địa bàn, trong đó số bệnh nhân mới và điều trị lại đưa vào điều trị ARV trong năm 2018 có 631 người.

 Tư vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: TT PC HIV/AIDS Thanh Hóa

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 2.868/3.066 bệnh nhân có thẻ BHYT, đạt 93% (có 774 bệnh nhân đang điều trị ARV tại các trại giam và Trung tâm 06), trong đó có 386 thẻ BHYT mua cho bệnh nhân trong năm 2018 từ nguồn kinh phí của tỉnh. Năm 2018, có 2.585/3.840 bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng virus, trong đó có 2.184 mẫu có kết quả tải lượng dưới 1.000 CP, đạt tỷ lệ 93,1% (2.184/2.347).

Bắt đầu từ ngày 8-3-2019, tại 2 bệnh viện: Đa khoa khu vực Ngọc Lặc và Đa khoa huyện Thọ Xuân đã thanh toán bằng nguồn BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV (Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa chưa triển khai theo kế hoạch do chưa có nguồn thuốc).

Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân bệnh viện đang quản lý, điều trị cho 102 bệnh nhân, trong số đó có 80% có thẻ BHYT. Theo Thông tư hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế bắt đầu triển khai thuốc ARV chuyển sang nguồn từ BHYT, thì công tác thống kê số lượng dự kiến đều làm theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn khi bệnh nhân quay về điều trị không mang theo giấy tờ, trong khi thủ tục cấp phát thuốc ARV nguồn BHYT yêu cầu rất chặt chẽ về giấy tờ, thông tin của bệnh nhân.

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã chiếm 93,6%. Thanh Hóa cũng thường xuyên có chính sách hỗ trợ người bệnh hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT. Do vậy, việc thanh toán điều trị ARV bằng nguồn BHYT không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của các bệnh nhân.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thanh Hóa, cho biết: Cùng với sự tiến bộ trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc kháng virus ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống HIV/AIDS; khi tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến hơn 95%.

Triển khai điều trị ARV thông qua nguồn BHYT, ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, ban, ngành tiến hành chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm, tập huấn, truyền thông... Đến thời điểm này có khoảng 400 bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị đủ điều kiện nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT. Các bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV tại các cơ sở y tế ngoài 2 bệnh viện nêu trên sẽ tiếp tục được cấp thuốc miễn phí từ nguồn thuốc tài trợ chưa sử dụng hết. Trong thời gian tới, việc thanh toán điều trị ARV từ nguồn BHYT sẽ được mở rộng theo lộ trình, dự kiến đến năm 2020 sẽ thanh toán toàn bộ qua BHYT.

Thuốc kháng virus ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch bệnh. Điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Người nhiễm HIV khi có thẻ BHYT được hưởng các quyền lợi chung như mọi người dân có thẻ BHYT, được cơ quan BHYT thanh toán thuốc ARV, tiền xét nghiệm liên quan đến HIV và các chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh.
Top