Tham gia BHYT được cấp thuốc điều trị HIV miễn phí

17/08/2015 16:55

Nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang bị cắt giảm và khả năng đến 2017 sẽ bị cắt hoàn toàn. Vì vậy nếu không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì sắp tới người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ tiền thuốc cũng như các dịch vụ điều trị HIV.

 

Cung cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV - Ảnh minh họa

Nguy cơ lây nhiễm cao nếu bỏ điều trị

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có hơn 98.000 người nhiễm HIV (chiếm hơn 40% số người nhiễm HIV) đang được điều trị miễn phí thuốc ARV. Mỗi năm, số tiền chi trả cho thuốc khoảng 420 tỉ đồng. Trong năm 2015, nguồn ngân sách nhà nước chi cho thuốc ARV đã tăng lên 60 tỉ (so với các năm là 20 tỉ) còn lại là được các tổ chức thế giới viện trợ.

Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 3/2016 nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong  khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800- 1000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Và đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT.

“Con số bệnh nhân HIV có thẻ BHYT hiện ở mức rất khiêm tốn, 30% bệnh nhân có thẻ khiến chúng tôi rất lo lắng người bệnh sẽ bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả. Bởi trung bình một năm, số tiền chi cho thuốc, các xét nghiệm liên quan của người bệnh HIV là khoảng trên 4 triệu, nếu không có khoản tiền này mà bỏ điều trị, vi rút HIV không được không chế không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh mà quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ cao hơn”, ông Long nói.

Theo đó, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS giải thích, khi được điều trị HIV bằng thuốc ARV người bệnh khỏe mạnh do tải lượng virus xuống thấp. Việc điều trị bằng ARV cũng làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Khi bỏ điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém gấp cả chục lần mà lo ngại nhất do nồng độ vi rút trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng cao hơn.

Nhiều dịch vụ được đưa vào diện BHYT chi trả

Mới đây, ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh khác đối với bệnh nhân HIV/AIDS đã được đưa vào diện chi trả của BHYT. 

Theo bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trước đây người nhiễm HIV thường không quan tâm đến thẻ BHYT vì họ được miễn phí điều trị hoàn toàn. Nhưng hiện nay, khi thuốc ARV, các xét nghiệm liên quan đã được đưa vào danh mục chi trả của BHYT, nếu không có thẻ BHYT thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. 

Dù đây được cho là nỗ lực lớn của ngành Y tế cũng như bảo hiểm, nhưng nó cũng khiến không ít bệnh nhân HIV/AIDS lo lắng. Vì trên thực tế, người nhiễm HIV/AIDS vẫn chịu một sự kỳ thị từ xã hội rất lớn, đa phần người bệnh đều muốn bí mật thông tin cá nhân. Nhiều người lo ngại việc điều trị bằng BHYT sẽ làm lộ thông tin, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo cơ quan y tế thì vấn đề bảo mật thông tin không đáng lo lắng. 

ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 - chuyên điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cho rằng, khi bệnh nhân mua Thẻ BHYT thì cũng giống như tất cả mọi người, không cần phải kê khai thông tin bị nhiễm HIV và thẻ BHYT này có thể khám bất cứ chỗ nào. Hơn nữa ngay cả khi không mua BHYT thì bệnh nhân vẫn phải kê khai các thông tin cá nhân tại các cơ sở điều trị, tuy nhiên tất cả các phòng khám HIV/AIDS đều là phòng khám được quản lý nên mọi thông tin cá nhân của người bệnh đều được bảo mật.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, không nhất thiết người nhiễm HIV/AIDS phải khám và điều trị đúng tuyến, mà người bệnh cũng có quyền lựa chọn phòng khám trong địa bàn phạm vi tỉnh, huyện lân cận… Tuy nhiên, cũng theo ông Long thì bệnh nhân HIV/AIDS nên vượt qua sự kỳ thị, bởi không thể giấu được suốt đời. 

Hiện Cục phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai chiến dịch truyền thông, phát thông tin tờ rơi cho tất cả người đang điều trị ARV người có HIV để họ nắm được sự cần thiết của BHYT. Mục tiêu cũng được đặt ra là nâng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT lên 60% vào năm 2020.
Top