Thái Nguyên: Chia sẻ kinh nghiệm “Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS”

16/12/2011 15:43

Ngày 15/12, Ban quản lý Dự án phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức giao buổi giao lưu chia sẻ kình nghiệm can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo trung tâm y tế, các đồng đẳng viên, cộng tác viên các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phổ Yên và Thành phố Thái Nguyên.

Hoạt động phòng, chống AIDS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tính đến ngày 30/9/2011, Thái Nguyên đã có 8.075 người nhiễm HIV, trong đó có 3.706 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 1.754 tử vong. Trong nỗ lực chung nhằm kiểm soát tình trạng lây nhiễm HIV, giảm số người mắc mới, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cung cấp các dịch vụ về dự phòng, điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho người nhiễm HIV, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma tuý, nhóm mại dâm. Một trong những hoạt động dự phòng mang lại hiệu quả là Chương trình Can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS thông qua mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng, cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng của Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Dự án LIFE-GAP.

Tính từ năm 2006 đến tháng 11/2011, mạng lưới Dự án đã cấp phát miễn phí cho các đối tượng dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS hơn 4,5 triệu bơm kim tiêm sạch; hơn 1,5 triệu bao cao su. Đưa các thông điệp về phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS tới cộng đồng và các đối tượng nguy cơ cao với gần 5 vạn tờ tranh, tờ gấp truyền thông; xây dựng 80 nhóm giáo dục đồng đẳng, 15 câu lạc bộ “tự lực” và “làm mẹ”. Hằng tháng, tại 5 huyện thành có từ 2.300 - 2.500 người nghiện chích ma tuý và 200 - 250 người trong nhóm hoạt động có liên quan mua bán dâm được tiếp cận các dịch vụ can thiệp giảm tác hại.

Mô hình giáo dục đồng đẳng là nhóm những người cùng cảnh ngộ được cung cấp kiến thức và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đã góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý trên địa bàn can thiệp từ 50,6% năm 2006 xuống còn 25,87% năm 2011. Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã nghe báo cáo chia sẻ kinh nghiệm can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS của các địa phương.

Top