Thái Bình: Phát gần 950 nghìn vật phẩm can thiệp giảm hại cho đối tượng đích

09/12/2020 17:11

Để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS, Thái Bình coi biện pháp can thiệp giảm hại là giải pháp quan trọng cần được đặc biệt chú trọng. Trong 9 tháng đầu năm, hơn 640.800 bơm kim tiêm, 304.000 bao cao su và hơn 1.260 chiếc hộp an toàn đã được phát cho các đối tượng đích thông qua các câu lạc bộ, các nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

 Điều trị Methadone giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 10/2020, số người nhiễm HIV/AIDS hiện quản lý trên địa bàn tỉnh là hơn 2.180 người. 93% xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, phân tích nguyên nhân lây nhiễm ở các ca nhiễm mới từ đầu năm đến nay cho thấy đường lây qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%; lây qua tiêm chích ma túy 19%; 6% qua lao phổi và 30% không xác định được đường lây. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV là 70%, cao hơn nhiều so với nữ giới (30%); tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng có xu hướng tăng cao. Do đó, biện pháp can thiệp giảm tác hại và điều trị là những giải pháp rất quan trọng.

Tại Thái Bình, các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới đã được triển khai thông qua các cuộc hội thảo, phát bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn và hộp an toàn.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho những nhóm nghiện chích ma túy, vợ chồng hoặc bạn tình của người nhiễm.

Nhằm dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, các hoạt động: tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng miễn phí cho phụ nữ mang thai cũng đã được tổ chức. Tính riêng 10 tháng đầu năm đã tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 10.000 phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho hơn 20 người. Việc xét nghiệm tình trạng nhiễm HIV sớm ở phụ nữ mang thai sẽ giúp người nhiễm sớm tiếp cận được các phác đồ điều trị.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho bệnh nhân nhiễm HIV. Tính đến hết tháng 10, số bệnh nhân điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh là gần 1.370 bệnh nhân, đạt 90% chỉ tiêu năm. Các cơ sở điều trị Methadone được bao phủ ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; điểm cấp phát thuốc Methadone tại một số xã, thị trấn đã tạo điều kiện rất tốt cho bệnh nhân uống thuốc, bảo đảm thời gian cho bệnh nhân khi tham gia hoạt động ngoài xã hội.

Các hoạt động can thiệp giảm tác hại đã góp phần làm hạn chế sự lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân các địa phương, từ đó cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm đã có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2001, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 42% thì đến năm 2005 khi các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai, tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm này đã giảm xuống còn 6,5%.

Cùng với các hoạt động can thiệp giảm tác hại, công tác chăm sóc, điều trị được xác định là một trong giải pháp thiết yếu trong kế hoạch chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. 9 phòng khám ngoại trú tại các huyện, thành phố đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc cho gần 1.300 bệnh nhân đang điều trị ARV, hơn 900 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus giảm ngưỡng ức chế đạt 96%. Ngoài ra, 49 trường hợp phơi nhiễm mới cũng đã được cấp thuốc, kê đơn điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác điều trị là vẫn có người nhiễm bỏ điều trị hoặc bị công an bắt do vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến việc điều trị; nhiều người nhiễm biết tình trạng nhiễm HIV của mình nhưng không điều trị... Thêm vào đó, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng đến các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tuyên truyền, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.  

Hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030, thời gian tới Thái Bình sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát phát hiện, điều trị ARV, xét nghiệm tải lượng virus; tăng cường công tác truyền thông và đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tăng tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm nghiện chích ma túy và tỷ lệ sử dụng bao cao su trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới…
Top