Thách thức lớn đối với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV

15/03/2016 14:57

Trong thời gian qua, tiêu chuẩn điều trị ARV đã được mở rộng, tuy nhiên tính đến đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có trên 56% người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị bằng thuốc ARV.

Tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh: Thùy Chi

Hiện tại toàn thành phố có 21 phòng khám ngoại trú (PKNT) người lớn điều trị HIV/AIDS. Trong đó, 3 bệnh viện thuộc Trung ương (Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Bach Mai) và 18 phòng khám ngoại trú (PKNT) do Sở Y tế trực tiếp quản lý bao gồm 5 PKNT tại các Bệnh viện thuộc Hà Nội và 13 PKNT tại Trung tâm Y tế  tuyến quận/huyện. Có 8 Trung tâm chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội, 1 Trại giam Thanh Xuân tham gia hỗ trợ điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. 100% các cơ sở này đều được duy trì đủ thuốc kháng virus HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS theo đúng quy định.

Tính đến cuối năm 2015, số người nhiễm hiện đang được điều trị ARV là 10.569 bệnh nhân, bao gồm cả các OPC thuộc Bệnh viện Trung ương (bao gồm cả bệnh nhân ngoại tỉnh). Trong đó, người lớn là 10.003 người -đạt 101 % kế hoạch năm; trẻ em là 566 bệnh nhân, đạt 101 % kế hoạch năm.

Riêng trong năm 2015, số bệnh nhân mới được đưa vào điều trị ARV là 1.415 bệnh nhân; số bệnh nhân bỏ trị quay lại điều trị là 47 người; bệnh nhân chuyển đến là 435 người, bệnh nhân chuyển đi là 568 người; bệnh nhân tử vong là 161 người (bao gồm cả ngoại tỉnh); bệnh nhân bỏ điều trị là 246 người; bệnh nhân còn sống và vẫn tiếp tục được điều trị ARV sau 12 tháng đạt  86% bệnh; 85% bệnh nhân điều trị duy trì phác đồ bậc 1.

Đối với công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện vẫn còn tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện muộn, do vậy ảnh hưởng đến việc không được điều trị dự phòng cho bệnh nhân.

Tính đến cuối năm 2015, số phụ nữ mang thai (PNMT) được tư vấn xét nghiệm là 182.875 người, trong đó số PNMT được xét nghiệm HIV là 117.480 người và đã phát hiện 87 PNMT dương tính HIV. Trong số này, 92,7%  PNMT nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 97 % trẻ (sống) sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 85/101 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đã được cấp sữa thay thế (đạt 84,1%).

Về công tác phối hợp Lao/HIV, hiện công tác phối hợp Lao/HIV được triển khai tại 30 Trung tâm y tế quận/huyện có triển khai hoạt động phối hợp HIV/Lao và 18/18 PKNT triển khai điều trị dự phòng lao bằng INH. 

Kết quả tại các cơ sở khám chữa Lao cho thấy, số bệnh nhân lao được tư vấn về HIV là 1.806 người (đạt 100%); số bệnh nhân đồng ý làm xét nghiệm là 1.408 người (đạt 78%); số người mắc lao nhiễm HIV là 27 người.

Kết quả tại PKNT điều trị HIV/AIDS cho thấy, các PKNT duy trì khám sàng lọc 4 triệu chứng nghi lao cho người nhiễm HIV quản lý tại PKNT trong các lần tái khám là 83 người mắc lao được điều trị đồng thời Lao và ARV; số bệnh nhân đang điều trị ARV mắc lao được điều trị lao là 23 người; số người nhiễm HIV được điều trị dự phòng lao bằng INH (số mới được điều trị dự phòng) là 1.648 đạt 51,5% chỉ tiêu đề ra trong năm.

Việc điều trị ARV sớm có tác động rất mạnh trong việc giảm AIDS, giảm tử vong và giảm nhiễm HIV mới. Tuy nhiên, việc bảo đảm duy trì điều trị ARV gặp nhiều khó khăn khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm mạnh. Đây chính là thách thức lớn để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV trong 3 mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, nhằm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, cũng như giảm ca nhiễm HIV mới.

Bối cảnh các nhà tài trợ cắt giảm mạnh trong khi đầu tư tại địa phương chưa sẵn sàng dẫn đến khó khăn lớn trong việc bảo đảm bền vững của chương trình điều trị HIV tại địa phương. Giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn này là kêu gọi người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên hiện số bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn vẫn còn thấp.
Top