Tạo hiệu ứng xóa bỏ phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV

12/12/2014 16:57

Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 đã tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về ý thức phòng tránh HIV/AIDS và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh trong Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” diễn ra từ 10/11 - 10/12, đã được triển khai trên diện rộng, thu hút được sự tham gia của các cấp chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS.

Ông Hoàng Đình Cảnh cho hay, hiện trong xã hội, đâu đó vẫn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đây chính là rào cản rất lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, tại các hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm các phòng tư vấn, xét nghiệm, phòng khám ngoại trú cho những người nhiễm HIV/AIDS, không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Hàng ngày, Bộ Y tế chăm sóc, điều trị cho hàng trăm nghìn người nhiễm HIV và ở đây họ được hưởng những dịch vụ chăm sóc đặc biệt và “hòa đồng” rất tốt với mọi người.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, vấn đề quan trọng là thay đổi suy nghĩ của con người. Trước tiên, phải thay đổi những quan niệm sai lầm, lo lắng thái quá về căn bệnh HIV/AIDS của cộng đồng. Như vậy, cộng đồng cần phải có những kiến thức, hiểu biết đúng đắn về căn bệnh để có cách phòng tránh tốt nhất cho bản thân, nhưng không có sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm.

Bên cạnh đó, chính bản thân những người nhiễm HIV cũng cần thay đổi. Thực tế nhiều người nhiễm HIV đã tự kỳ thị bản thân, lẩn tránh, giấu diếm tình trạng bệnh tật của mình vì họ sợ sẽ bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị khi biết tình trạng bệnh của họ, nên họ không đến khám sức khỏe, thậm chí không biết mình đã nhiễm bệnh nên đã không phòng tránh cho những người thân.

Ông Hoàng Đình Cảnh cho rằng, khi Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu thiên niên kỷ trong phòng, chống HIV/AIDS thì việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này. Nếu không làm được thì sẽ rất khó để đạt được mục tiêu khác trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, bởi sự phân biệt kỳ thị, đối xử làm cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV lẩn tránh, không tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc, điều trị nên không biết tình trạng bệnh để điều trị sớm. Chính những người này sẽ là nguồn lây nhiễm lớn trong cộng đồng.

“Kỳ thị, phân biệt đối xử còn ảnh hưởng đến quyền của người nhiễm, quyền được học tập, lao động, do vậy, cần phải xóa bỏ tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là lực lượng y tế với lương tâm, trách nhiệm, với vai trò và vị trí của mình, hãy quan tâm giúp đỡ những người nhiễm HIV và gương mẫu thực hiện các quy định pháp luật về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này”, ông Cảnh nói.

Đối với những quy định pháp luật, Việt Nam là một trong những nước có quy định rất tiến bộ trong phòng, chống HIV/AIDS. Luật có quy định rõ, quyền của người nhiễm HIV và quy định chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, các quy định có rất nhiều, nhưng vẫn có nơi chưa thực hiện tốt việc thực thi pháp luật. Chẳng hạn như quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, quyền học hành, làm việc… vẫn có lúc bị vi phạm.

Theo ông Cảnh, hiện tại các tỉnh thành đã có các trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Tại nơi này, người nhiễm HIV/AIDS, chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ được tư vấn về quyền lợi được hưởng.

Trong trường hợp người nhiễm HIV/AIDS bị phân biệt đối xử, kỳ thị có thể gọi điện cho đến các đường dây nóng hoặc có thể liên hệ với chính quyền sở tại, cơ quan pháp lý gần nhất tại địa phương để có được sự giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Tại các địa phương, các cán bộ y tế, trong các cơ sở giáo dục cần được nâng cao kiến thức, đào tạo để họ tôn trọng quyền của những người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sự hỗ trợ từ hai phía cũng chính là giải pháp hữu hiệu để sớm chấm dứt được tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng...
Top