Tăng cường tuyên truyền lợi ích của phương pháp điều trị Buprenophine

21/02/2019 15:36

Trong năm 2019, các tỉnh được lựa chọn thí điểm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Buprenophine cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của phương pháp điều trị này đến tận các gia đình người nghiện. Tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật từ tuyến trên. Triển khai đánh giá hiệu quả và tính khả thi trong quá trình triển khai thực tế.

Gần 106 nghìn người nghiện được tiếp cận can thiệp giảm hại

Ngành Y tế sẽ đẩy mạnh dự phòng, can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Trong đó, tăng thu dung các người nghiện ma túy dạng thuốc phiện vào các cơ sở điều trị Methadone, triển khai mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã phường.

 Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phân phát bơm kim tiêm sạch cho các khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, khó tiếp cận bơm kim tiêm sạch, đặc biệt khu vực miền núi. Tiếp tục các hoạt động phân phát bao cao su, chất bôi trơn thông qua các hình thức phân phát miễn phí, tiếp thị xã hội cho các nhóm nguy cơ cao.

Triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho nhóm nguy cơ cao, chú trọng các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử, đặc biệt tuyên truyền, vận động giảm kỳ phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, hoạt động phân phát bơm kim tiêm đã được triển khai tại 52 tỉnh/thành phố, tiếp cận khoảng 105.819 người nghiện chích ma túy. Hoạt động phân phát bơm kim tiêm sạch chủ yếu thông qua hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu, các chương trình dự án khác đã cắt giảm hoạt động này, nên số bơm kim tiêm cắt giảm mạnh trong những năm gần đây.

Hoạt động phân phát bao cao su triển khai tại 52 tỉnh thành phố cho các nhóm nguy cơ cao, chương trình đã phân phát bao cao su cho hơn 62.380 người nghiện chích ma túy, 35.519 phụ nữ bán dâm, 67.648 nam quan hệ tình dục đồng giới và 16.475 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV. Thông qua hoạt động phân phát bao cao su và bơm kim tiêm, các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng đã giới thiệu cho hơn 231.466 người nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV.

Khởi liểu cho bệnh nhân điều trị Buprenorphine

Điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế là chương trình quan trọng trong công tác can thiệp, giảm hại. Điển hình là chương trình điều trị Methadone được triển khai mở rộng tại 63 tỉnh thành. Tính đến tháng 9/2018 đã có 314 cơ sở điều trị Methadone, đang điều trị cho 54.255 bệnh nhân, đạt 67% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg. So với cùng kỳ năm 2017, số bệnh nhân điều trị Methadone tăng 2.919 bệnh nhân. Từ năm 2015, vẫn triển khai thí điểm điều trị Methadone cho bệnh nhân trong trại giam Phú Sơn tại tỉnh Thái Nguyên. 

Trong năm 2018, ngành Y tế đã phối hợp triển khai sử dụng phần mềm quản lý bệnh nhân điều trị Methadone. Cụ thể, ngày 24/10/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký, ban hành Quyết định số 6409/QĐ-BYT phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin “Triển khai phần mềm quản lý hệ thống thông tin điều trị Methadone quốc gia”. Đến nay đã có 30 tỉnh/thành phố tạo tài khoản, nhập liệu bệnh nhân và vận hành hệ thống, trong đó 03 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng) hiện đã chạy ổn định; 27 tỉnh/thành phố đang tiếp cận và bắt đầu ứng dụng phần mềm MMT (tương đương 113 cơ sở điều trị), với 07 cơ sở tạo tài khoản và nhập đầy đủ dữ liệu, 10 cơ sở đã tạo tài khoản và đang nhập dữ liệu và 17 cơ sở đã tạo tài khoản nhưng chưa nhập dữ liệu.

Trong năm qua, đã tập huấn: 03 lớp tập huấn giảng viên tuyến tỉnh cho 32 tỉnh/thành phố (dự kiến tổ chức tập huấn TOT cho 31 tỉnh/thành phố còn lại) trong tháng 12/2018; 03 khóa tập huấn trực tiếp cho cán bộ làm việc của chương trình điều trị Methadone tại 03 tỉnh/thành phố (03 lớp cho tỉnh Thanh Hóa, 01 lớp cho tỉnh Quảng Ninh và 01 lớp cho tỉnh Nam Định); 04 tỉnh/thành phố (Điện Biên, Hà Tĩnh, Lạng Sơn và Hà Giang); 06 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Yên Bái) đã tổ chức tập huấn cho cán bộ của các cơ sở điều trị của địa phương (sử dụng giảng viên tuyến tỉnh đã được Trung ương đào tạo); 02 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu tập huấn cho cán bộ của các cơ sở điều trị của tỉnh trong tháng 12/2018 (sử dụng đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã được Trung ương đào tạo).

Về kế hoạch triển khai điều trị bằng thuốc Buprenorphine, ngành Y tế đang triển khai mua thuốc Buprenorphine do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. Hiện nay, thuốc Buprennorphine đã được Bộ Y tế cấp phép, sau khi có sự đồng ý của Ban Cán sự Đảng sẽ lên kế hoạch tập huấn và triển khai cho các tỉnh;

Ngày 19/09/2018 Bộ Y tế đã ra Quyết định 5595/QĐ-BYT về phê duyệt kế hoạch triển khai điểu trị bằng Buprenorphine giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, tổ chức đi khảo sát, đánh giá việc chuẩn bị triển khai điều trị tại Nghệ An và Sơn La trong tháng 11/2018; tháng 12 tổ chức đánh giá tại Điện Biên.

Cuối tháng 1/2019 thuốc Buprenorphine về và đầu tháng 2/2019 ngành khởi liều cho bệnh nhân điều trị Buprenorphine.

Buprenorphine có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Được sử dụng để điều trị duy trì nghiện chất dạng thuốc phiện từ năm 1995: Như Pháp (năm 1995), Úc (năm 2000), Hoa Kỳ (năm 2009); được WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005.
Top