Tăng cường công tác tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện

16/02/2016 15:36

Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 100 phòng được phép khẳng định HIV dương tính tại 61 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở tất cả 100% số huyện trên toàn quốc.

Trong năm 2015, số tỉnh có phòng xét nghiệm tăng thêm 2 phòng ở Bình Phước, Kon Tum và đã triển khai được 4 phòng xét nghiệm HIV tuyến huyện cho khu vực miền núi.

Ngành y tế sẽ tập trung nâng cao hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh: Thùy Chi

Ước tính, trong năm qua, ngành y tế đã triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho 200.000 người nhóm nguy cơ cao, trên 1 triệu phụ nữ mang thai và khoảng 12.000 lượt người phát hiện dương tính HIV.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, phối hợp với các tổ chức cộng đồng tư vấn và chuyển gửi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.

Đồng thời, triển khai đề án xây dựng phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tuyến huyện tại 9 tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang, chủ yếu cho các huyện miền núi và huyện đảo nơi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, xa trung tâm tỉnh.

HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Số lũy tích dương tính với HIV tiếp tục tăng cao, hiện có khoảng trên 200.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Trong khi đó, mỗi năm vẫn có 12.000 người nhiễm mới HIV và có đến 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, do nguồn lực hạn chế nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, trong thời gian tới, để khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hướng tới  mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam, ngành y tế sẽ đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, tăng cường công tác tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, để giúp người nhiễm HIV sớm tiếp cận điều trị ARV.

Cụ thể, trong năm 2016, ngành y tế tập trung nâng cao hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS của người dân, góp phần đạt mục tiêu 80% người dân từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS vào năm 2020; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV góp phần đạt tỷ lệ 80% người dân có thái độ tích cực với người nhiễm HIV vào năm 2020.

Phấn đấu 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV; xét nghiệm phát hiện mới khoảng 10.000 người nhiễm HIV; 50% người nguy cơ cao tiếp cận với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV và 50% số người nguy cao chưa biết tình trạng HIV được xét nghiệm HIV.
Top