TP.HCM: Gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM

14/04/2014 15:00

Tỉ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn đang ở mức nguy cơ cao và có chiều hướng gia tăng tại TP. HCM.

 

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang ở mức nguy cơ cao và có chiều hướng gia tăng

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm (2011 - 2013) hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2014 – 2015 vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại TP. HCM.

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, trong 3 năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Trung bình mỗi năm thành phố có thêm 2.200 người nhiễm mới, thấp hơn so với  những năm 2006-2010 là 6.500 người nhiễm/năm, số người tử vong do HIV/AIDS cũng có xu hướng giảm qua các năm.

Qua giám sát phát hiện, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng cao hơn nhiều so với lây nhiễm qua đường tiêm chích. Trong giai đoạn 2011-2013, tỉ lệ lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 49%, trong khi lây nhiễm qua đường máu chiếm 43%.

Kết quả giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm đối tượng nghiện chích ma tuý, gái mại dâm giảm đều qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới đang ở mức nguy cơ cao, chiếm 15%/ năm và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc thiếu nguồn kinh phí và cơ sở vật chất trong thời gian gần đây là nguyên nhân khiến việc phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn trở nên khó khăn, bên cạnh đó nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần được giải quyết.

Nguồn nhân lực y tế dự phòng còn mỏng khiến nhiều chương trình, hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS bị chậm tiến độ và giảm hiệu quả. Ngoài ra, một số sở ngành, đoàn thể từ quận huyện đến xã, phường thị trấn vẫn chưa thực sự quan tâm đến phòng chống HIV/AIDS khiến công tác này gặp trở ngại.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đề nghị các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố phải tổ chức, phối hợp thực hiện phòng, chống HIV/AIDS một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn trong giai đoạn 2014-2015.

Từ nay đến năm 2015, TP.HCM sẽ hoàn thành mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 1% và không tăng sau năm 2015. Đặc biệt, tăng cường, mở rộng các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như MSM, mại dâm và tiêm chích ma túy.

Đồng thời, tập trung triển khai mở rộng, xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và triển khai thực hiện điều trị ARV sớm bằng phương thức xã hội hóa.
Top