Sơn La: Tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

03/10/2019 14:37

Tỉnh Sơn La vừa bắt đầu triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2020-2030.

 Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Sơn La. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê, mỗi năm Sơn La có khoảng 30.000 phụ nữ mang thai. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,13%/năm, khoảng 40 phụ nữ mang thai nhiễm HIV/năm, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%/năm, khoảng 10 trẻ em sinh ra/năm nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 23.807 phụ nữ sinh con, trong đó: Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước - trong thời gian mang thai là 6%, số phụ nữ sinh con được xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ là 51,1%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B đạt 46.7%, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vaccine viêm gan B trong 24h sau sinh đạt 61,2%, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vaccine viêm gan B đạt 80,1%.

Do địa hình tỉnh Sơn La chủ yếu là đồi núi và cao nguyên, bị chia cắt sâu thành những vùng đất có đặc trưng sinh thái riêng. Tỉnh có hai cao nguyên là Mộc Châu và Nà Sản. Tỉnh có nhiều người dân tộc sống ở khu vực vùng sâu vùng xa nên kiến thức về HIV còn nhiều hạn chế. Nhiều phụ nữ mang thai chưa thật sự chú trọng tới việc khám thai sớm, khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ.

Bên cạnh đoa, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong mỗi gia đình, cộng đồng vẫn là rào cản khiến phụ nữ mang thai không tìm đến các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, từ chối làm xét nghiệm HIV hoặc đồng ý xét nghiệm nhưng không quay lại lấy kết quả. Việc này gây khó khăn cho việc theo dõi và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho những phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Từ thực trạng trên cho thấy việc triển khai dự phòng lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con hiện nay là rất quan trọng, nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu Chiến lược toàn cầu về sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và vị thành niên giai đoạn 2016-2030.

Để bảo đảm người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng. Sơn La thực hiện chương trình theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) > 92%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 75%;  tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vacxin viêm B ít nhất 90%; 80% bà mẹ mang thai và 65% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con thông qua các hoạt động truyền thông lồng ghép.

Trong giai đoạn 2026-2030, địa phương duy trì tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) > 92%; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 98%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 80%; 85% bà mẹ mang thai, 70% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con thông qua các hoạt động truyền thông lồng ghép.

Đặc biệt, Sơn La sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trực tiếp, thực hiện tư vấn trực tiếp, lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại thôn, bản, trạm y tế xã, các cơ sở y tế; tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng trong dự phòng, kiểm soát lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con; tổ chức các buổi thảo luận nhóm tại xã phường, thôn bản cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và các đối tượng bị ảnh hưởng trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con, cho phụ nữ mang thai…
Top