Sơn La: Thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới nguy cơ cao

17/06/2016 14:40

Trong thời gian tới, Sơn La sẽ nỗ lực vận động toàn cộng đồng phải tham gia tuyên truyền trong phòng chống ma túy, HIV/AIDS, coi đó là trách nhiệm chung, đặc biệt hướng tới thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại Sơn La - Ảnh: Thùy Chi

Dự án "Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng" được triển khai từ năm 2013 - 2017 tại 15 tỉnh biên giới. Trong đó có tỉnh Sơn La.

Mục tiêu của dự án là cải thiện năng lực quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại cấp trung ương, tỉnh và huyện; đẩy mạnh hợp tác khu vực giữa các nước có chung đường biên giới trong phòng lây nhiễm HIV; góp phần đạt mục tiêu Thiên niên kỷ, chặn đứng và bắt đầu thu hẹp sự lây lan HIV/AIDS thông qua việc mở rộng độ bao phủ các dịch vụ có chất lượng đối với các nhóm dễ tổn thương với HIV tại các tỉnh thực hiện dự án.

Năm 2015, với sự hỗ trợ của Dự án “Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng” vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại 46 xã thuộc 7 huyện: Sông Mã, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Yên Châu và Mường La.

Sơn La là tỉnh miền núi, với nhiều dân tộc anh em chung sống trong khi trình độ dân trí chưa cao, thêm vào đó địa hình miền núi rộng, chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tình hình dịch HIV/AIDS của các huyện triển khai Dự án không ngừng gia tăng. Đến hết năm 2015, các huyện triển khai Dự án đã phát hiện 303 người nhiễm HIV mới, lũy tích nhiễm HIV là 5.784 người, số người nhiễm HIV còn sống 2.775 người, lũy tích số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS 3.479 người, 1.416 người số tử vong do AIDS, trong đó, 1.378 người đang điều trị ARV.

Trong năm 2015, dự án đã triển khai trên 30 lớp tập huấn, hội thảo, giám sát, hội nghị, mít tinh với trên 1.300 lượt người về nâng cao năng lực trong cung cấp dịch vụ chất lượng cho những người lây nhiễm HIV, những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, truyền thông thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới có nguy cơ, công tác dự phòng chăm sóc tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng triển khai mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ giữa 2 nước (Việt Nam - Lào) đối với các nhóm di biến động đặc biệt triển khai tại 4 xã: Chiềng Khương, Mường Hung (Sông Mã); Chiềng Tương, Chiềng On (Yên Châu).

Để dự án và công tác phòng, chống HIV đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Sơn La sẽ nỗ lực vận động toàn cộng đồng phải tham gia tuyên truyền trong phòng chống ma túy, HIV/AIDS, coi đó là trách nhiệm chung, đặc biệt hướng tới thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Hướng tới giảm các ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực trong cung cấp dịch vụ chất lượng, thuận tiện cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phấn đấu mục tiêu góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La dưới 0,6% trong năm 2016, và không tăng vào những năm tiếp theo.
Top