Sơn La: Phấn đấu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,62%

07/04/2014 08:17

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, tính đến cuối tháng 12/2013, toàn tỉnh phát hiện gần 9.470 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 6.897 người, số bệnh nhân mắc bệnh AIDS còn sống là 2.814 người, số người đã tử vong gần 2.580.

Tập trung các biện pháp can thiệp giảm hại để giảm số người lây nhiễm mới HIV trên địa bàn. Ảnh minh họa

Riêng trong năm 2013, tỉnh phát hiện 639 trường hợp nhiễm mới, 532 bệnh nhân mắc bệnh AIDS và 150 trường hợp tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV phát hiện mới chủ yếu trong lứa tuổi từ 20 – 39 (76,06%), trong đó nam giới chiếm gần 68% và hơn 32 % là nữ.

Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La Đàm Văn Hưởng, cho biết trong năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động tích cực để kiềm chế dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do Sơn La có địa hình phức tạp, hiểm trở, là địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán và chung chuyển ma tuý nên các tệ nạn xã hội liên quan đến dịch HIV/AIDS như tệ nạn ma tuý, mại dâm diễn biến phức tạp. Đây cũng là lý do khiến công tác truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, đồng bào dân tộc ít người gặp nhiều khó khăn, hạn chế nên kết quả đạt được chưa cao.

Ngoài ra, kinh phí cấp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn chậm,  đặc biệt nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án Quốc tế giảm rất nhiều so với năm 2012 điển hình như Dự án Quỹ Toàn cầu đã cắt giảm kinh phí, ngừng hỗ trợ cho một số hoạt động vào năm 2013; Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC) bắt đầu một giai đoạn mới thay dự án LIFE-GAP nhưng thủ tục triển khai dự án chậm, hết năm 2013 vẫn chưa có kinh phí dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện; Dự án Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng (ADB) đến tháng 11/2013 mới chính thức hoạt động, nên không triển khai kịp các hoạt động.

Trong năm qua, nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cũng hạn chế, công tác đấu thầu để cung ứng thuốc, vật tư sinh phẩm còn vướng mắc nên cũng đã ảnh hưởng đến công tác triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, ông Đàm Văn Hưởng cho biết, tỉnh Sơn La phấn đấu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,62% trong năm 2014 và không tăng vào những năm tiếp theo để làm giảm các ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh phấn đấu các chỉ số đạt được như 50% người nghiện chích ma túy được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 80% người nghiện chích ma túy được xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm HIV; 50% người bán dâm được tiếp cận với các chương trình dự phòng HIV; 90% bệnh nhân AIDS được điều trị thuốc kháng HIV; 100% bệnh nhân lao được làm xét nghiệm HIV; 90% người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn được điều trị dự phòng Cotrimoxazol; 50% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV; 80% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng bằng thuốc ARV

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tăng cường phối kết hợp giữa các ngành, các đơn vị về công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng đội ngũ công tác viên, giáo dục viên đồng đẳng, truyền thông trực tiếp, đa dạng hoá các phương pháp truyền thông, đưa truyền thông tới vùng sâu, vùng xa; vùng cao, biên giới, các trường trung học phổ thông, chuyên nghiệp và các doanh nghiệp; củng cố các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV; mở rộng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện lưu động tới vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh Sơn La cũng tập trung đẩy mạnh chương trình bơm kim tiêm sạch, bao cao su, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng. Củng cố hoạt động cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, huyện Mai Sơn và mở rộng triển khai tại các huyện, ưu tiên các huyện theo đề án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại các bệnh viện và mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuyến tỉnh, huyện, xã/phường để đảm bảo điều trị sớm cho những người mẹ mang thai nhiễm HIV.

Top