Số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục

12/08/2020 08:35

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

 Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp trên 100.000 dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (Luật HIV 2006) được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai Luật đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ với sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, với tổng số 3 Nghị định của Chính phủ; 8 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; gần 200 Thông tư, Thông tư liên tịch và Quyết định của Bộ Y tế. Nhờ đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực.

Tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm. Số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990 tại TPHCM, cho đến nay, hiện trên toàn quốc đang báo cáo 212.000 người đang nhiễm HIV và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.

Hệ thống tổ chức, mạng lưới người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến xã, phường đã được thiết lập và kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Hằng năm, các cơ sở phòng, chống HIV/AIDS đã tạo điều kiện tiếp cận, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV cho gần 700.000 người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, điều trị cho gần 53.000 người nghiện ma túy, điều trị cho 144.600 người nhiễm HIV và dự phòng cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt ba giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm tử vong; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Theo kết quả đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nhận thức của người dân về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đã được nâng cao, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình họ.

Người nhiễm HIV đã được tạo điều kiện, hỗ trợ về hòa nhập cộng đồng, an sinh xã hội, học tập, làm việc và tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Top