Ra khỏi bóng tối, đón nắng ngày lên

11/06/2012 18:35

Bây giờ, nhiều người đã biết cái tên Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng Trần Thị Huệ. Bởi em không chỉ đẹp mà còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn để có cuộc sống tươi đẹp hơn. Bây giờ, em có công việc ổn định, em còn thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện liên quan tới công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để đăng quang, phải quên mình là người bệnh!

Đã có người nói rằng, đã mang bệnh rồi thì thi thố gì. Người thì thương cảm, không cần tới vương miện thì các cô đã đẹp lắm rồi. Nhưng với Huệ thì: “Người nhiễm HIV hoàn toàn bình thường. Nhưng họ đáng khâm phục ở chỗ là đã quên mình bị bệnh”. Quả vậy, danh hiệu hoa hậu đã mang lại cho Huệ rất nhiều, được mở rộng mối quan hệ, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, tiếp tục tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, em đang làm công tác truyển thông, có thu nhập ổn định tại Trung tâm Sáng kiến và phát triển cộng đồng.

Để có được thành quả này, có lẽ nhiều người không thể ngờ nổi một cô gái mảnh dẻ đã phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh, đau đớn vì sự ám ảnh của bệnh tật, có lúc những tưởng đã gục ngã. Chồng mất do AIDS, con đầu bị câm điếc, con thứ 2 thì bị nhiễm HIV...

Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng Trần Thị Huệ.

Số phận trớ trêu

Mùng 8, hai vợ chồng Huệ đưa nhau lên Bạch Mai khám bệnh. Bác sĩ  hẹn 4 ngày sau lên lấy kết quả. Không ai thiết ăn uống, chỉ nằm và chờ đợi. Kết quả là cả hai vợ chồng đều dương tính với HIV. Bác sĩ tư vấn rất nhiều nhưng bản thân Huệ không nghe thấy gì cả, cũng không muốn nghe gì nữa cả. Em lao ra khỏi phòng. Huệ nghĩ, mình sẽ ra đi vĩnh viễn. Và em chạy một mạch xuống tận Giáp Bát. Em nghĩ lại: “Lúc đấy, em không có ý định chạy trốn mà là đang cố giải thoát khỏi nỗi sợ hãi đang giáng xuống đầu mình. Không dám đối mặt với sự thật, và cũng không dám đối mặt với gia đình, với người thân. Càng cố thì bước chân càng líu díu. Khi chân không còn nhấc nổi lên được nữa, em khụy xuống. Hình ảnh của con xuất hiện, chúng còn quá bé, lại đang chịu cảnh thiệt thòi. Liệu mình có thể bỏ rơi con được không. Ai sẽ là người chăm sóc các con đây... 

Từ trạng thái buông xuôi, nhưng Huệ đã bừng tỉnh dậy và nghĩ rằng cuộc đời vẫn rất đẹp và rất đáng sống. Vẫn hy vọng. Khi ốm nằm viện,  đau đớn, lơ mơ, tỉnh dậy thì thấy bố ở bên. Đôi mắt bố đẫm nước, nhưng không nhỏ lệ. Ông nói với con: “Bất cứ gánh nặng nào bố mẹ đều có thể gánh cho con, nhưng là bệnh tật nên con phải mang, phải gắng lên… Không chỉ cho bản thân mà cho các cháu. Con phải nhìn hai đứa con để sống, đó chính là tương lai tốt đẹp nhất của mà con phải gìn giữ”. Chính vì điều này đã khiến Huệ vực dậy, dù sống một ngày hay một giờ em cũng phải lạc quan để bước tiếp.

Bởi vậy, Huệ nghĩ rằng, người nhiễm HIV cần nhất là có gia đình và người thân luôn luôn động viên, nâng đỡ. Bản thân em dù bị sốc và suy sụp nhưng may mắn đã được bố mẹ thương yêu.

Mắc bệnh vậy nhưng Huệ vẫn phải bươn trải để nuôi gia đình. Thời điểm phát hiện nhiễm HIV, việc tiếp cận thuốc điều trị ở Hà Nội là rất khó khăn và nếu có thì cũng phải mất nhiều tiền mới mua được. Huệ đã có một quyết định táo bạo, liều lĩnh. Nam tiến. Mình Huệ xoay sở đưa cả chồng con vào Sài Gòn thuê nhà. Chỉ với mục đích là kiếm thuốc để kéo dài sự sống cho chồng. Bán hàng rong, bóng bay, xôi cốm, làm thuê... chỉ kiếm khoảng 70 ngàn đồng mỗi ngày Huệ không nản. Cai sữa để có thời gian đi kiếm tiền nhưng Huệ cũng không có khả năng mua sữa ngoài cho con. Người mẹ đành lòng mua sữa đậu nành thay thế. Hết cách thì pha bột sắn dây mang từ quê cho con uống. Cuộc sống thật cơ cực và thực sự bế tắc. Lúc này chồng sức yếu lại không trông được con. Huệ không thể trụ được nữa và lại khăn gói bồng bế nhau trở về quê.

Nhưng ông trời cũng không lấy hết…

Bây giờ, Huệ khỏe mạnh bình, thường và tham gia rất nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Để vượt qua những ngày tháng khốn cùng và có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng đó, Huệ chia sẻ: “Em có thể sống tốt tới ngày hôm nay, trước hết là do đã chủ động tham gia rất nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Hà Nam, cũng như ở Sài Gòn nay ở Hà Nội. Đó là cơ hội cho em được đứng trước đám đông, là công nhân, học sinh của các trường học để nói về mình... Sự sẻ chia đó em đã được đón nhận sự cảm thông, khâm phục từ phía mọi người. Cũng chính điều đó đã giúp em có thêm nghị lực phấn đấu vươn lên”.

Nếu người nhiễm HIV không bước ra ánh sáng mà mặc cảm, ủy mị, lo sợ, dằn vặt, thu mình thì có người ra đi rất nhanh. Ví như là chồng Huệ, đã từng buông xuôi, không chịu uống thuốc nên sự sống chỉ kéo dài được 2 năm. Anh rể của Huệ cũng vậy, chỉ ốm mệt 2 tháng là qua đời. Còn hai chị em Huệ may mắn có cơ hội học hỏi kiến thức và được hòa nhập với mọi người, được tiếp cận các dịch vụ y tế nên sức khỏe vẫn bình thường.

Với Huệ, bí quyết để bước ra khỏi bóng tối, đó là nghị lực sống. Và hãy nhìn về phía trước có rất nhiều điều tốt đẹp phải hướng tới. Trong chúng ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong đường đời. Sẽ là tồi tệ nếu chúng ta buông xuôi. Xác định được mục đích sống và có trách nhiệm với bản thân mình thì không có gì khiến chúng ta gục ngã. Huệ đã tin vào điều đó.

Top