Quảng Ninh: Cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm

30/08/2019 09:08

Để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh tập trung triển khai nhiều hoạt động truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa, tố giác, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm.

Những năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch của tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường dễ phát sinh các tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn mại dâm.

Theo số liệu của lực lượng chức năng, đến cuối năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có tổng số 3.083 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm: 330 khách sạn, 1.144 nhà nghỉ; 250 nhà trọ; 454 nhà hàng; 03 vũ trường; 365 quán karaoke; 12 quán bar; 137 cà phê giải khát; 73 cơ sở xông hơi; 57 massage - cắt tóc máy lạnh; 258 cơ sở dịch vụ khác. Trong đó, nghi vấn 72 cơ sở hoạt động mại dâm là 05 khách sạn, 21 nhà nghỉ, 16 karaoke, 12 cà phê, giải khát; 08 cơ sở xông hơi, massage; 05 cắt tóc thư giãn và 05 dịch vụ khác; 159 đối tượng nghi hoạt động mại dâm, gồm: 38 chủ chứa, 12 môi giới; 109 gái bán dâm.

Nhìn chung tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm nóng, hoạt động phức tạp gây bức xúc. Tuy nhiên, dự báo tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động, chuyển từ hình thức “công khai, lộ liễu” sang hoạt động “ngầm, bí mật” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng...

Do đó, để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó là thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm.

Điển hình là mô hình “ Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Mô hình đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 1.800 lượt người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị phát sinh tệ nạn mại dâm. Đồng thời, cung cấp các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại về HIV/AIDS; tuyên truyền thúc đẩy hành vi tình dục an toàn.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, trang bị kiến thức kỹ năng cần thiết trong hoạt động tiếp cận, giảm hại cho 46 thành viên Ban chủ nhiệm, thành viên nòng cốt, thành viên thuộc các nhóm mạng lưới liên kết của các nhóm đồng đẳng tham gia mô hình.

Mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” cũng đã mang lại hiệu quả cao. Địa phương đã thực hiện ký kết hợp đồng với 01 luật sư, ký kết chương trình phối hợp với 01 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phù hợp thân thiện cho nhóm khách hàng; xây dựng phương án, khảo sát nhu cầu học nghề cho người bán dâm. Thành viên Ban chủ nhiệm, nhóm nòng cốt đã tiếp cận được trên 500 lượt người bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long, có 30 lượt người được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý.

Ngoài ra, phải kể đến một mô hình rất hiệu quả khác, đó là mô hình bảo đảm quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. Mô hình này đã giúp tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 550 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Các nhóm đã chủ động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, kết nối cùng các mạng lưới xã hội khác (mạng lưới người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, người có hành vi tình dục đồng tính), tiếp cận, tư vấn, giới thiệu 80 lượt người tham gia hoạt động tập huấn vận động chính sách, kỹ thuật tiếp cận và kiến thức liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tổ chức xét nghiệm phát hiện HIV bằng phương thức lấy máu từ đầu ngón tay do Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng (SCDI), Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD); và tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng tổ chức.

Địa phương cũng duy trì đường dây nóng kết nối trực tiếp giữa chuyên gia tư vấn pháp lý, y tế với trưởng nhóm hoặc chủ nhiệm các CLB thực hiện mô hình để hỗ trợ, chuyển gửi nội dung tư vấn về bạo lực trên cơ sở giới, cách ứng phó và tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục qua số điện thoại tư vấn miễn phí 18001769 (Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh).

Bên cạnh các mô hình trợ giúp tại cộng đồng đối với người bán dâm, Quảng Ninh  còn hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm thông qua chương trình an sinh xã hội cho người bán dâm. Thông qua các nhóm trong các mô hình thí điểm, đã thực hiện khảo sát, tư vấn cho trên 100 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao bán dâm, có 31 người đăng ký học nghề, trong đó: 12 người đăng ký học may, sửa chữa quần áo, 14 người học nghề làm tóc, nối mi, sơn sửa móng, 02 người học nghề cắm hoa, cắt tỉa hoa quả, 02 người học pha chế… Các mô hình trên đã giúp cho nhiều người đã từng bán dâm trên địa bàn tỉnh hoàn lương, thay đổi công việc và ổn định cuộc sống.
Top