Quảng Bình: Hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV

04/04/2019 16:54

Địa phương phấn đấu đến hết năm 2020, 100% người nhiễm HIV được quản lý có thẻ BHYT. Hàng năm, bảo đảm 100% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT được hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV khi tham gia điều trị thuốc ARV.

 Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khám cho bệnh nhân điều trị Methadone. Ảnh: TT PC HIV/AIDS tỉnh

Cụ thể, người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả chi phí điều trị thuốc kháng virus ARV gồm những đối tượng: Người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ mua thẻ BHYT là người được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bị nhiễm HIV/AIDS và có tên trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố thuộc một trong những nhóm đối tượng gồm người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Được xác định theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của TTCP, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình (được xác định theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của TTCP) quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP; học sinh, sinh viên quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP; tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và các đối tượng quy định nêu tại Điểm a,b,c nêu trên.

Đối tượng người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả chi phí điều trị thuốc kháng virus ARV cũng bao gồm người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT được hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus ARV là những đối tượng có mức hưởng BHYT là 95% và 80% theo quy định tại điểm e và g khoản 1 Điều 4 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP.

Để đạt được kết quả trên, Kế hoạch đặt ra các giải pháp cụ thể về quản lý và vận động chính sách, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS sinh sống trên địa bàn có thẻ BHYT, được sử dụng đầy đủ các dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS; tổ chức các hội nghị, hội thảo vận động sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội... đối với việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

Để bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, các đơn vị liên quan, cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT trên các kênh thông tin đại chúng; đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc điều trị sớm bằng thuốc ARV; lợi ích của BHYT trong việc khám, điều trị HIV/AIDS; tăng cường tư vấn, truyền thông tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT sẽ chủ động, tự nguyện tham gia BHYT; tiếp tục huy động các nguồn đóng góp từ xã hội để hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, đơn vị trong, ngoài tỉnh hỗ trợ về tài chính và chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Đặc biệt là việc hỗ trợ hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; huy động nguồn kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc chi trả thuốc ARV.
Top