Quán “Ba cô nương” gần gũi

15/06/2012 14:54

Bên bờ cầu Thẫm, huyện Vũ Thư, TP. Thái Bình có một quán ăn rất đặc biệt mà người dân ở đó thường hay gọi là quán “Ba cô nương”. Chủ quán là 3 cô gái mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS nhưng quán vẫn đông khách. Ở đây không còn chỗ cho sự kỳ thị mà chỉ có tình người, có sự cảm thông và cả sự nỗ lực vượt qua số phận của 3 cô gái có HIV tuổi đời còn rất trẻ.

Ba cô gái đều bị nhiễm HIV từ chồng. Chồng mất, một thân một mình nuôi con nhỏ, ba chị nương tựa vào nhau cùng mở quán chân gà nướng mưu sinh. Bằng sự nỗ lực vươn lên số phận, ba cô gái trẻ đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của mọi người. Hiện cả ba đều là thành viên cốt cán của CLB Hoa cỏ may, một CLB của người có HIV tỉnh Thái Bình. Cả ba đều là tuyên truyền viên tích cực, xuất sắc của dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Một công dân huyện Vũ Thư, khách hàng quen của quán cho biết, tất cả mọi người quanh khu vực này đều biết hoàn cảnh của 3 cô gái nên thường xuyên đến quán ăn ủng hộ. Khi được hỏi lý do thường xuyên đến quán, người này chia sẻ: “Có gì đâu mà sợ, HIV không dễ lây vậy đâu. Bằng chứng là tôi ăn suốt có sao đâu. Trước đây mọi người sợ chứ bây giờ ai cũng có hiểu biết nên bình thường hết rồi. Mà ba cô này chăm chỉ, làm sạch sẽ nên rất yên tâm.”

Một góc quán "Ba cô nương".

Các chị là người có hoàn cảnh khó khăn, nhận được sự giúp đỡ của người khác, nhưng khi gặp người khó khăn hơn mình, các chị vẫn sẵn sàng giúp đỡ lại. Quán “ba cô nương” vẫn thường tính rẻ, chỉ bán lấy vốn cho những công nhân nghèo đi làm thuê ở khu này.

“Sống ngày nào phải có ích ngày đó”, nghị lực phi thường của ba cô gái trẻ nhiễm HIV khiến ta không khỏi khâm phục. Họ mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa, cuộc sống chưa biết sẽ ra sao mà vẫn lao động, vẫn lạc quan. Thật đáng khâm phục những con người như vậy.  

Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. “Ba cô nương” đã vượt qua được ranh giới bệnh tật để sống có ích trong cuộc đời.

Top