Phương tiện công cộng là những nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ

17/12/2018 14:00

Phương tiện công cộng như xe buýt hay ga tàu được xem là những nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ, khi gần 30% các vụ quấy rối tình dục (bằng hành vi hay lời nói) đều xảy ra ở đây.

 Tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục ở châu Á cao gấp 1,7 lần so với trung bình trên thế giới. Đa phần đều xảy ra ở những nơi công cộng, ví dụ như công viên vắng người hoặc các phương tiện công cộng. Ảnh minh họa

Dự án "Phân tích vấn nạn quấy rối tình dục ở các nước Đông Nam Á" của hai sinh viên Lê Phùng Đan Thanh và Nguyễn Ngọc Trâm Anh, đại học RMIT Việt Nam, đã về nhì tại vòng chung kết quốc gia cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN.

Cuộc thi ASEAN Data Science Explorers - ASEAN DSE do Quỹ ASEAN và SAP đồng tổ chức tại Đại học RMIT Việt Nam, Đan Thanh, đại diện đội Maverick, cho biết, đã tham gia cuộc thi này vì chủ đề tập trung vào sự phát triển bền vững phù hợp những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cuộc thi không chỉ đơn thuần là đọc các con số, mà còn đưa ra các kết luận và đề xuất dựa trên phân tích của mình.

Tỉỷ ệ nữ Châu Á bị quấy rối tình dục cao 1,7 lần trung bình thế giới

Chia sẻ lý do chọn chủ đề tham gia cuộc thi, Đan Thanh cho hay, chủ đề khá nhạy cảm vì đó là thời gian đỉnh điểm của phong trào #MeToo - chống bạo lực và quấy rối tình dục đối với phụ nữ. Ngoài ra, Đan Thanh có biết rất nhiều trường hợp giới nữ bị quấy rối tình dục trên xe buýt bằng nhiều lời nói và cử chỉ thô lỗ, nên nhóm quyết định tìm hiểu chủ đề này, khi nó khá quan trọng nhưng lại ít được để ý đến ở Việt Nam.

Qua phân tích, nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục ở châu Á cao gấp 1,7 lần so với trung bình trên thế giới. Đa phần đều xảy ra ở những nơi công cộng, ví dụ như công viên vắng người hoặc các phương tiện công cộng.

Phương tiện công cộng như xe buýt hay ga tàu được xem là những nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ, khi gần 30% các vụ quấy rối tình dục (bằng hành vi hay lời nói) đều xảy ra ở đây. Vì chưa có các bộ luật kiểm soát chặt chẽ các hành động quấy rối tình dục với mức phạt thích đáng nên hơn 2/3 các vụ tấn công tình dục không được thông báo cho cảnh sát. Hơn 60% phụ nữ ở Đông Nam Á đã trải qua những lần bị quấy rối tình dục (bằng lời nói hoặc hành vi).

Tuy nhiên, chỉ 1/3 các vụ tấn công tình dục ở Đông Nam Á bị xét xử. Những lý do chính khiến tỉ lệ các vụ tấn công tình dục ở Đông Nam Á (đặc biệt là những nơi công công) rất cao bao gồm: Hệ thống chiếu sáng yếu kém, Chính phủ chưa có những bộ luật trừng phạt thích đáng cho những trường hợp tấn công tình dục.

4 thành phố lớn của Đông Nam Á (Jakarta, Kuala Lumpur, Bangkok, Manila) đứng ở top 10 thành phố có hệ thống giao thông công cộng nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, khi phụ nữ thường bị quấy rối bằng những hành động hay lời nói sỗ sàng, đặc biệt là vào ban đêm.

Từ những con số nhóm tìm hiểu và phân tích cho thấy hiện trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ở Đông Nam Á đã tăng cao mức đáng quan ngại, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.

Việt Nam là có tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục nơi công cộng cao nhất khu vực, khi hơn 55% phụ nữ đã từng trải qua vấn nạn này lúc sử dụng các phương tiện hoặc nơi công cộng.

Ngoài ra, theo United Nations Women, Việt Nam cũng có chỉ số bình đẳng giới thấp thứ hai trong Đông Nam Á (2015). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến việc quấy rối/tấn công tình dục xảy ra ngày càng phổ biến.

Đề xuất cải thiện hệ thống chiếu sáng và camera

Đánh giá mức độ hậu quả của tình trạng cho thấy, 3 trong 10 người đã từng bị quấy rối tình dục thường rơi vào tình trạng trầm cảm một thời gian dài. Chỉ 20% phụ nữ dám thông báo với cảnh sát hoặc các cơ quan có thẩm quyền. 26% nạn nhân khi được hỏi đều không nghĩ rằng cảnh sát sẽ có cách giải quyết, chấm dứt tình trạng này.

Do đó, nhóm kiến nghị cải thiện hệ thống chiếu sáng và camera ở ga tàu, ga xe bus hoặc công viên, vì trong lúc phân tích số liệu, hệ thống đèn điện và camera quan sát ảnh hưởng khá nhiều đến phần trăm khả năng xảy ra các vụ quấy rối tình dục. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi bóng đèn được lắp đặt tại nơi thiếu sáng sẽ giảm được 38% khả năng xảy ra các vụ quấy rối và hãm hiếp tại nơi công cộng.

Các quốc gia có thể học tập theo phương pháp đèn chiếu thông minh và chiếu sáng tự động tại thành phố Eindhoven (Hà Lan). Hệ thống này cũng đã giảm thiểu đáng kể các vụ quấy rối tại công cộng ở Hà Lan. Tuy nhiên, lợi ích của phương pháp này chỉ ngắn hạn, không thể giải quyết triệt để vấn đề.

Phát triển phương tiện công cộng dành riêng cho phụ nữ đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó có thể kể đến Ấn Độ. Phương pháp này giảm được 30% các vụ quấy rối, giúp phụ nữ cảm thấy an toàn hơn khi di chuyển một mình hoặc di chuyển vào đêm muộn. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đã có hệ thống tàu điện tương đối mới và phát triển như Thái Lan, đều có thể thực hành thí điểm.

Ngoài ra có thể đẩy mạnh các khoá kỹ năng phòng vệ bản thân online. Điểm cộng là phương pháp này có chi phí phát triển tương đối thấp và hiệu quả cao.

Sau khi thắng giải, nhóm dự định sẽ kết hợp với các tổ chức sinh viên RMIT (những câu lạc bộ quan tâm đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ). Trước đó, đã có những buổi hội thảo về chống quấy rồi tình dục tại nhà trường, nên nhóm hy vọng trong tương lai gần sẽ tổ chức được nhiều buổi với chủ đề tương tự, không những với quy mô trong trường mà còn mở rộng ra những trường khác.

Phương án xây dựng một chuỗi video về các cách phòng vệ bản thân đơn giản cho phụ nữ hay app giới thiệu về tự vệ online cũng được nhóm cân nhắc thực hiện. Đây chỉ mới là những mục tiêu ngắn hạn trước mắt, tuy nhiên nhóm hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng quấy rối tình dục tại nơi công cộng ở Đông Nam Á.
Top