Phòng tránh lây nhiễm căn bệnh thế kỷ khi truyền máu

15/01/2015 11:23

Trong thời qua, nền y tế thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm HIV qua đường máu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi truyền máu, bản thân người hiến máu và người truyền máu cần đặc biệt lưu ý để không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này.

Người hiến máu và người truyền máu cần đặc biệt lưu ý để không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ

Những trường hợp lây nhiễm HIV do truyền máu đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc...

Điển hình như vụ việc xảy ra năm 1990, nước Pháp chứng kiến một bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử y học nước này kể từ sau Thế chiến II: Từ năm 1984, Trung tâm Truyền máu quốc gia Centre National de Trasfusion Sanguine (CNTS) đã biết trước máu bị nhiễm virus HIV nhưng vẫn dùng cho các bệnh nhân mất máu. Tổng cộng, CNTS đã truyền máu nhiễm HIV cho khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân.

Vào thập niên 1980, dư luận Nhật Bản cũng từng bàng hoàng trước một vụ truyền máu nhiễm HIV mà người dân nước này gọi là Yakugai eizu Jiken với hậu quả khoảng 2.000 người bị bệnh chảy máu ở quốc gia này nhiễm HIV.

Đây là những mẫu máu không qua xử lý nhiệt để vô trùng do những người làm việc trong Bộ Y tế Nhật Bản tắc trách. Vụ án được xem là đau lòng và cũng giống như ở Pháp, những người đứng đầu Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, giám đốc các công ty cung ứng máu, chữa bệnh đã bị buộc tội ngộ sát.

Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp truyền máu nhiễm HIV cho trẻ em đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Như vụ việc từng gây rúng động dư luận ở Ấn Độ là 23 trẻ em đã bị truyền nhầm máu nhiễm HIV tại bang Gujarat trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 8/2011. Hay sự việc một bé gái 12 tuổi ở Ảrập Xêút đã bị truyền máu nhiễm HIV vào tháng 2/2013.

Chỉ riêng trong năm 2014, đã có những trường hợp nhiễm HIV qua đường máu khiến dư luận lo ngại như hơn 100 người tại Campuchia đã nhiễm HIV do bác sĩ dùng kim tiêm nhiều lần. Hay trường hợp mới nhất là bé gái 5 tuổi ở Trung Quốc nhiễm HIV do truyền máu sau khi phẫu thuật.

HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. Giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV là AIDS được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong.

HIV lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục và qua lây truyền từ mẹ sang con. Hiện nay, những hoạt động truyền và hiến máu ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, khi tham gia những hoạt động này, người hiến máu và nhận máu cần có những lưu ý để không bị nhiễm HIV hay bất kì bệnh tật nào khác.

Đảm bảo truyền máu an toàn

Đối với người hiến máu, để không nhiễm HIV cho người khác, cần đảm bảo thể trạng của bản thân đáp ứng được mọi điều kiện của việc hiến máu. Những người biết rõ bản thân nhiễm HIV tuyệt đối không tham gia hiến máu, cần trả lời trung thực những câu hỏi của trung tâm hiến máu.

Lựa chọn các trung tâm, địa điểm uy tín hiến máu để đảm bảo cho máu được dùng vào những việc có ích.

Khi hiến máu cần quan sát để đảm bảo tất cả kim tiêm lấy máu đều là kim tiêm mới. Nếu thấy hiện tượng dùng lại kim tiêm, cần yêu cầu người phụ trách dùng thiết bị mới. Trong trường hợp bên cơ sở không chịu đáp ứng, có thể huỷ việc hiến máu.

Đối với người muốn tiếp máu, chỉ nhận máu trong các trường hợp cần thiết. Với những trường hợp bác sỹ đảm bảo về lượng máu trong cơ thể, bệnh nhân và gia đình không nên thúc ép việc truyền máu. Uống viên sắt, các vitamin và khoáng chất cần thiết… là những cách giúp cải thiện máu trong cơ thể.

Bên cạnh đó, lựa chọn những bệnh viện uy tín để truyền máu. Đây là những nơi có nguồn máu phong phú, máu được kiểm định chất lượng trước khi đem vào sử dụng. Khi nhận máu cần đảm bảo máu đã được qua xét nghiệm và các bệnh lây nhiễm khác.

Đối với các nhân viên y tế, để không lây nhiễm HIV cho người bệnh hoặc chính bản thân, nhân viên y tế, bác sỹ cần tiến hành kiểm tra máu được truyền và máu của người nhận. Chỉ truyền những máu đã được xét nghiệm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường máu.

Thận trọng trong việc truyền máu, tránh gây tổn thương. Đảm bảo tiệt trùng các dụng cụ y tế trước mỗi lần sử dụng và không được sử dụng lại kim tiêm trong bất kỳ trường hợp nào.
Top