Phòng, chống HIV/AIDS tại Ninh Bình: Cần vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa

19/12/2011 15:46

Trong những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng được đẩy mạnh, tuy nhiên tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Vẫn đang trong giai đoạn tập trung

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đến tháng 10.2011 toàn tỉnh có 2.715 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, có 1.433 trường hợp HIV còn sống; 705 bệnh nhân đã chuyển sang AIDS; 577 người đã tử vong do AIDS. Nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là ở nam giới chiếm 81,22%, nữ chiếm 18,78% tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tuổi HIV ngày càng có xu hướng trẻ hóa, hiện nay tập trung chủ yếu trong độ tuổi 16-29 tuổi chiếm 42,83%, tuổi từ 30-39 tuổi chiếm 44,32%. Nguy cơ lây nhiễm chủ yếu qua đường máu; qua quan hệ tình dục... Đa số các bệnh nhân nhiễm HIV là nông dân chiếm 45,54%, phạm nhân chiếm 14,34% và thất nghiệp chiếm 25,97%... Trong thời gian gần đây, hình thái dịch ở Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung, dịch có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, nhưng về cơ bản chưa khống chế được.

Nhận thức được những nguy cơ, tác hại của đại dịch HIV, AIDS, trong nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phương châm lấy dự phòng là chính, trong đó giáo dục lối sống lành mạnh và các chuẩn mực đạo đức xã hội là trọng tâm đã cố gắng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, triển khai rộng khắp các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, giám sát HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… đã bước đầu kiểm soát được dịch HIV, không để dịch tăng nhanh như những năm trước. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở  cũng được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những hoạt động nỗ lực của toàn thể cộng đồng đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng lây nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Ninh Bình vẫn còn những mặt hạn chế, đó là chưa khống chế hiệu quả được sự lây nhiễm HIV, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, nghiện chích ma túy, mại dâm, tình dục không an toàn, phụ nữ bỏ đi lấy chồng và làm ăn ở nơi khác khiến dịch HIV/AIDS còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp. Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã được tỉnh triển khai nhưng còn chậm. Công tác tuyên truyền về lợi ích của chương trình chưa được sâu rộng cho các đối tượng, nhất là với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, các tổ chức đoàn thể tuy đã phát huy tác dụng song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn

Để hạn chế sự gia tăng của các của các đối tượng nhiễm và nâng cao nhận thức của người dân, trong thời gian tới Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung một số giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nguy cơ và hiểm họa của dịch HIV/AIDS; tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mơi nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, quần chúng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; củng cố và hoàn thiện bộ máy và đội ngũ phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc giúp đỡ của cộng đồng; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức và cá nhân, trong đó có cả những người chung sống với HIV/AIDS tham gia tích cực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS…

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS vừa qua, Trưởng nhóm đồng đẳng tỉnh Ninh Bình, Đinh Thị Nết chia sẻ, chúng tôi rất xúc động nhận được sự chia sẻ của các cấp, ngành và đoàn thể, điều đó đã khẳng định sự quan tâm của toàn xã hội với những người có HIV/AIDS, góp phần bảo đảm cho những người nhiễm HIV/AIDS đều được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS; khẳng định chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là một biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và bảo đảm quyền của mỗi người. Với tinh thần quyết tâm ngăn chặn và góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, trong thời gian tới Câu lạc bộ (CLB) Mái ấm Ninh Nhất của những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động cụ thể như sinh hoạt CLB định kỳ hàng tháng nhằm cung cấp thông tin cho các thành viên về phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho gia đình và cộng động, trang bị những kỹ năng tự chăm sóc bản thân và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, từ đó thu hút những người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động của CLB những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh…

Với mục tiêu khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với nhân dân nhằm giải thích cho người dân thấy được những tác hại của căn bệnh này, tránh được sự phân biệt, đối xử với các bệnh nhân HIV/AIDS... Đồng thời, cần sự vào cuộc một cách tích cực, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành ở nhiều địa phương. Từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống, điều trị căn bệnh này. Chỉ có như vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS mới đem lại những kết quả to lớn, nó không chỉ góp phần ổn định xã hội trong giai đoạn trước mắt mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững, thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. 

Top