Phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm đặc biệt

19/03/2015 15:26

Thời gian tới, khả năng cao các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm một số chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó bao gồm các chương trình mục về lĩnh vực y tế. Mặc dù vậy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn là một trong những lĩnh vực được các đại biểu quốc hội và người dân đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chủ trì cuộc họp - Ảnh Hữu Thủy

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phát biểu như trên tại buổi làm việc giữa Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhằm cung cấp thông tin kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 và đề xuất, thảo luận cho giai đoạn sau năm 2015.

Theo Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, với vai trò của Quốc hội là làm chính sách, phân bổ ngân sách và giám sát cho nên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội rất muốn có đủ thông tin về chương trình phòng, chống HIV/AIDS để tham mưu cho quốc hội trong việc lập chính sách giai đoạn tới.

Do vậy, ông Đặng Thuần Phong đã đề nghị Cục Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn vừa qua cũng như những đề xuất với quốc hội trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã báo cáo tóm tắt những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015. Báo cáo nêu rõ nhiều kết quả đã đạt được trong các dự án bao gồm: Thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường năng lực cho các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố…

Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã góp phần khống chế được dịch HIV, các chỉ tiêu như số người nhiễm mới, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do AIDS không tăng trong suốt 7 năm qua. Tuy vậy, do nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng bị cắt giảm kinh phí, nhất là các hoạt động truyền thông và huy động cộng đồng, nên nhiều chỉ tiêu của chương trình đã không đạt được mục tiêu như: Hiểu biết của người dân về HIV/AIDS, độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bao gồm tư vấn xét nghiệm HIV, can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV…

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh Hữu Thủy

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, cần duy trì tính bền vững và thành quả của chương trình, nếu không tiếp tục đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS thì các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian tới. Do vậy, ngành y tế đề nghị Quốc hội quan tâm, tiếp tục đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã bày tỏ quan tâm, ủng hộ sự cần thiết của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và mong muốn Bộ Y tế cần cung cấp, trao đổi thêm thông tin với các Bộ ngành, Quốc hội cũng như tính toán các giải pháp thay thế nếu phòng, chống HIV/AIDS không được thông qua thành chương trình quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS hoàn thiện báo cáo chi tiết hơn nữa, đặc biệt là phân tích sâu về các khó khăn trong giai đoạn chuyển giao từ ngân sách chủ yếu dựa vào viện trợ sang ngân sách trong nước, cũng như lý do để các đại biểu quốc hội thấy việc tăng ngân sách cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới là cần thiết và hợp lý.

Top