Phát triển các chiến lược y tế toàn cầu về HIV, viêm gan và STIs giai đoạn 2022-2030

20/07/2021 16:28

(Chinhphu.vn) - Chiến lược của ngành Y tế toàn cầu về HIV, viêm gan virus và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) giai đoạn 2022-2030 đã được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua.

Các chiến lược mới được xây dựng để hội đồng xem xét vào năm 2022, thông qua quá trình tham vấn rộng rãi với các quốc gia thành viên, cộng đồng và các bên liên quan khác, đồng thời nằm trong mối liên hệ với các chiến lược của Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) và Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét.

Các Chiến lược ngành Y tế toàn cầu hiện có về HIV, viêm gan virus và STIs giai đoạn 2016-2021 sẽ kết thúc vào năm nay, do đó các chiến lược mới là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 và 2030.

Tại phiên họp lần thứ 148 của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 1/2021 đã xem xét báo cáo giai đoạn 2016-2021 và yêu cầu WHO phát triển các chiến lược mới cho giai đoạn 2022-2030.

Trong giai đoạn 2016-2021, mặc dù có tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực phòng ngừa và điều trị, tuy nhiên hầu hết các mục tiêu tạm thời đến năm 2020 trong các chiến lược vẫn chưa đạt được. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, tốc độ tiến bộ trong việc giảm các ca nhiễm HIV mới, tăng khả năng tiếp cận điều trị và chấm dứt các ca tử vong liên quan đến AIDS vẫn đang chậm lại.

Hiện nay, khoảng 290 triệu người trên toàn cầu không biết rằng họ đang sống chung với bệnh viêm gan virus và không tiếp cận được những tiến bộ lớn trong phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị viêm gan.

Trước đại dịch, hơn 1 triệu ca nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) liên tục ghi nhận mỗi ngày trên toàn thế giới với hơn 350.000 kết quả thai bất lợi như 200.000 ca thai chết lưu và các ca tử vong do STI ở trẻ sơ sinh xảy ra hàng năm.

Trước tình hình này, WHO đã tổ chức loạt các cuộc họp và tham vấn trực tuyến để cung cấp thông tin về quá trình phát triển của các chiến lược. Cụ thể, các cuộc thảo luận đã diễn ra ở khu vực Mỹ Latinh và Đông Địa Trung Hải theo ủy quyền trước đó của Ban điều hành WHO và các cuộc tham vấn khu vực trực tuyến hiện đã được lên kế hoạch; khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á; khu vực châu Âu; khu vực châu Phi...

Để bổ sung cho các cuộc tham vấn này, một loạt các cuộc họp giao ban của các quốc gia thành viên được triệu tập tại Geneva và một cuộc khảo sát trực tuyến có sẵn để mở rộng phạm vi lấy ý kiến từ các bên liên quan khác.

Để đạt kết quả cao, WHO khuyến khích tất cả các cá nhân và tổ chức quan tâm hoàn thành cuộc khảo sát trực tuyến. WHO đề xuất, sau khi đã được đồng thuận, 3 chiến lược sẽ được trình bày trong một tài liệu với trọng tâm là tăng cường hơn nữa các cơ hội hội nhập, bao gồm thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu và hợp tác với các bên trong cộng đồng.

Các chiến lược mới sẽ tìm cách duy trì cách tiếp cận riêng đối với từng khu vực bệnh, đồng thời nhấn mạnh công tác tăng cường hợp tác, phối hợp chính là mấu chốt quan trọng cần trong việc chống lại HIV, viêm gan virus và STI nói chung.

Top