Phát hiện ‘ngạc nhiên’ về bệnh nhân thứ 3 khỏi HIV

20/07/2020 09:14

Mới đây trường hợp bệnh nhân ở Sao Paulo, Brazil được thông báo không còn dấu vết của virus HIV trong hơn 1 năm sau khi dứt thuốc điều trị đã gây sự chú ý trong lĩnh vực điều trị HIV/AIDS. Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu phép màu nào đã giúp cho bệnh nhân này khỏi bệnh?

 Ảnh minh họa

Tiến sĩ Ricardo Diaz, tại Đại học Sao Paulo của Brazil cho biết, bệnh nhân Sao Paulo, 36 tuổi đã tham gia một thử nghiệm lâm sàng năm 2016 kết hợp thuốc kháng virus sao chép ngược (retrovirus) với nicotinamide, một dạng vitamin B3. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực trong 48 tuần, sau đó tiếp tục dùng thuốc kháng virus thông thường, bao gồm 3 loại thuốc kháng virus tiêu chuẩn. Anh ta đã ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus hoàn toàn vào tháng 3/2019 và virus HIV không còn nhân lên nữa, xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính. 

Tiến sĩ Ricardo Diaz cho hay, thử nghiệm chưa kết thúc, dù bệnh nhân có rất ít kháng nguyên nhưng kết quả vẫn đáng lạc quan. Bản thân bệnh nhân rất xúc động vì đó là điều mà hàng triệu người mong muốn. “Đó là món quà của cuộc sống, một cơ hội sống thứ hai”, anh nói.

Nếu kết quả được chứng minh, đó sẽ là một khám phá mang tính bước ngoặt của ngành y. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng kết quả của thử nghiệm có thể là duy nhất đối với riêng người đàn ông này. Bởi 4 bệnh nhân khác cũng đã được điều trị bằng cùng một liệu pháp, nhưng không ai có được kết quả tương tự. Tin tức này đặt ra vô số câu hỏi trong cộng đồng khoa học và trường hợp đặc biệt hấp dẫn vì, trong số 5 người được điều trị, chỉ có 1 người được chữa khỏi. 

Virus HIV có tác động vật liệu di truyền vào DNA của tế bào miễn dịch đích, buộc tế bào hình thành các bản sao của virus. Theo cách này, HIV tích hợp trực tiếp vào DNA và thực sự trở thành một phần của cơ thể vật chủ. Điều này làm cho virus cực kỳ khó điều trị. 

Mặt khác, virus HIV ẩn náu trong các tế bào đó, cư trú nhiều năm trước khi nó thức giấc và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Một số nhà khoa học tin rằng giai đoạn ngủ đông là một lợi thế tiến hóa của virus. Ở những nơi ban đầu HIV xâm nhập vào cơ thể, có rất ít tế bào miễn dịch lây nhiễm. Nếu virus phá hủy tất cả các tế bào hiện có này ngay sau khi xâm nhập, sẽ không còn tế bào miễn dịch nào lây nhiễm bệnh cho các tế bào tiếp theo.

Thay vào đó, HIV trì hoãn sự kích hoạt cho đến khi nó được tế bào bao bọc đưa tới các mô có khả năng lây nhiễm nhiều tế bào hơn. Quá trình này bảo đảm cơ hội tốt hơn cho virus lây lan. Giai đoạn ngủ đông hoặc tiềm ẩn này có thể kéo dài đến 12 năm. Sau khi virus thức dậy, hệ thống miễn dịch suy yếu và AIDS phát triển. Hệ thống miễn dịch yếu khiến bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng.

Trong khi đó, thuốc kháng virus cản trở sự nhân lên của virus cũng như việc gắn vào các tế bào đích. Hiện nay, liệu pháp kháng virus có thể làm giảm tải lượng virus trong cơ thể đến mức người bệnh không còn truyền nhiễm, kể cả truyền nhiễm cho bạn tình hay từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus, việc kiểm soát sự nhân lên của virus kết thúc.

Ở bệnh nhân Sao Paulo, anh đã điều trị bằng thuốc kháng virus và sau khi dừng thuốc virus vẫn không tiếp tục nhân lên. Liều thuốc điều trị cho bệnh nhân Sao Paulo được cho là đánh thức virus ẩn và dụ nó ra khỏi nơi ẩn nấp. Từ đó, các tế bào bị nhiễm lộ diện và hệ thống miễn dịch có thể nhận ra để tiêu diệt virus lạ.

Tuy vậy, khi được hỏi liệu có thể mong đợi loại bỏ hoàn toàn virus đã tích hợp vào DNA bằng thuốc kháng virus hay không, Giáo sư  Jürgen Rockstroh, Trưởng phòng khám ngoại trú về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch tại Bệnh viện Đại học Bonn, Đức nói, điều này hiện chưa khả thi. “Vì mỗi hệ thống miễn dịch riêng lẻ phản ứng rất khác nhau nên một trường hợp riêng lẻ không thể coi là tình trạng phổ quát được”.

Cho đến nay, ngoại trừ trường hợp thứ 3 được cho là khỏi bệnh, có 2 bệnh nhân ở London và Berlin là Adam Castillejo và Timothy Ray Brown được cho là đã chữa khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy từ Delta 32, bệnh nhân bị đột biến hiếm gặp có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với virus. Tủy của cá nhân đặc biệt này miễn dịch với virus HIV do đột biến ở một trong những thụ thể của các tế bào miễn dịch mà HIV phải xâm nhập được.

Castillejo đã được cấy ghép vào năm ngoái, trong khi Brown nhận được tủy vào năm 2007. Các ca cấy ghép đã loại bỏ virus HIV và cung cấp cho họ hệ thống miễn dịch mới chống lại tế bào nhiễm virus.  Ca cấy ghép này đầy rủi ro, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng nếu cơ thể bệnh nhân từ chối tế bào ghép. Tuy nhiên, 2 bệnh nhân đã giảm được virus HIV một thời gian dài. Nhưng cấy ghép tủy xương là can thiệp đắt tiền, phức tạp có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, khiến chúng trở thành phương pháp chữa bệnh không thực tế cho 38 triệu người hiện đang chung sống với virus HIV/AIDS.
Top