Phát hiện 5.500 người nhiễm HIV

14/06/2015 08:19

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước đã điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho hơn 31 nghìn bệnh nhân, bằng thuốc ARV cho gần 96 nghìn bệnh nhân; xét nghiệm HIV cho hơn 260 nghìn người và đã phát hiện ra 5.500 người nhiễm HIV; đã có 28 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Kim Thoa

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 tại TP Huế

 Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS 63 tỉnh, thành phố.

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS lưu ý, trong 6 tháng đầu năm công tác phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận còn một số tồn tại đáng lo ngại: Độ bao phủ bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí giảm so với cùng kỳ, điều trị Methadone mới đạt được 38% so với chỉ tiêu, mục tiêu điều trị ARV chưa đạt tiến độ, còn 35 tỉnh chưa được phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính.

TS Nguyễn Hoàng Long đã nêu các giải pháp, kế hoạch cần được thực hiện khẩn trương trong 6 tháng cuối năm: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chuyên môn để cơ sở có điều kiện mở rộng các dịch vụ điều trị và dự phòng; nhanh chóng ổn định mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh triển khai điều trị Methadone, ARV song song với việc tăng xét nghiệm phát hiện HIV, truyền thông thay đổi hành vi và sớm hoàn thành các đề án cung ứng thuốc ARV.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyên môn và xã hội và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tiếp tục khống chế và giảm sự gia tăng của dịch trên cả 3 tiêu chí, số nhiễm mới, só chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Theo con số ước tính của các chuyên gia quốc tế và trong nước, trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2015, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã dự phòng được khoảng 400 nghìn người không bị nhiễm HIV; 150 nghìn người nhiễm HIV không tử vong và cứu được 10 nghìn trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Đây là những kết quả rất đánh biểu dương, khem gợi và cần phát huy trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo hệ thống phòng, chống HIV/AIDS đẩy mạnh triển khai các hoạt động trọng tâm như: Tiếp tục quan tâm đầu tư và đẩy mạnh công tác truyền thông vận động và truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, phải coi phương châm lấy phòng ngừa là biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS.

Nỗ lực cố gắng thực hiện hoàn thành mục tiêu về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone mà Chính phủ đã giao cho các tỉnh, thành phố.

Tăng cường điều trị ARV để có thể hướng tới mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị. Để người nhiễm HIV có thể tiếp cận sớm hơn, Bộ Y tế đã điều chỉnh tiêu chuẩn điều trị ARV lên ngưỡng CD4 dưới 500 tế bào/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm đối tượng và những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Như vậy, có đến 75% người nhiễm HIV có thể được điều trị ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV. Thứ trưởng chỉ đạo địa phương cần sớm kiện toàn các cơ sở điều trị ARV, lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh để có thể thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.

Tiếp tục tăng độ bao phủ xét nghiệm HIV để đảm bảo mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình. Để thực hiện được mục tiêu này cần sớm triển khai các phương cách kỹ thuật xét nghiệm đơn giản để y tế cơ sở có thể chẩn đoán được HIV.

Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đa dạng tại Trung tâm. Các tỉnh, thành phố có thể thực hiện các mô hình thí điểm lồng ghép để có hiệu quả hơn tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành, lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng chống các tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng, lồng ghép, đẩy mạnh các phong trào tại cơ sở như phong trào toàn dân phòng, chóng HIV/AIDS tại cộng đòng dân cư, chương trình nông thôn mới.

Top