Phải giữ “hàng rào” chống đại dịch HIV/AIDS

03/12/2011 15:11

Nhân ngày 1/12/2011, Việt Nam cùng các quốc gia khác trên thế giới kỷ niệm 30 năm đương đầu với HIV/AIDS. Trong 3 năm gần đây, tại Việt Nam số người phát hiện nhiễm mới, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS đều giảm.

Trong thời gian tới, các nguồn tài trợ nước ngoài (chiếm tới 80 - 90% nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS) sẽ dần bị cắt giảm. Ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam và TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã trao đổi với Báo Lao Động về sự chuẩn bị ứng phó của Việt Nam trong điều kiện mới này. 

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam

Ông Eamonn Murphy: Đầu tư 10đ hiện nay sẽ tiết kiệm 80đ trong tương lai 

PV: Theo ông, đâu là những phương thức để huy động nguồn lực cần thiết cho phòng, chống HIV ở Việt Nam?

Ông Eamonn Murphy: Nguồn lực quan trọng nhất về tài chính và cơ sở hạ tầng dành cho ứng phó với HIV cần phải là nguồn lực của quốc gia. Cộng đồng quốc tế đã và đang hỗ trợ Việt Nam rất nhiều cả về kỹ thuật và tài chính. Nhưng với xu hướng cắt giảm ngân sách cho HIV trên toàn cầu, Việt Nam cần phân bổ nhiều ngân sách nhà nước hơn cho phòng, chống HIV và chuyển sang các mô hình huy động vốn mới, ví dụ như qua các quan hệ đối tác công - tư.

PV: Theo ông, cách nào để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực này?

Ông Eamonn Murphy: Cách đầu tư sáng suốt nhất là đầu tư cho dự phòng các ca nhiễm mới HIV. Ngăn chặn được 1 ca nhiễm mới bây giờ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong tương lai cho việc chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ xã hội cho một người nhiễm HIV cũng như do người đó mất sức lao động. Cứ với 10.000đ dành cho dự phòng HIV hôm nay, Việt Nam tiết kiệm được 80.000đ phải chi cho điều trị trong tương lai. Đối với một dịch HIV tập trung như ở Việt Nam, cách dự phòng hiệu quả nhất là tập trung vào các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao: Những người tiêm chích ma tuý, người bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào các chương trình cho hiệu quả cao như chương trình Methadone, chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su và tuyên truyền giáo dục đồng đẳng.

Hiện nay, nhiều chương trình HIV lớn được thực hiện theo “chiều dọc”, nghĩa là cung cấp các dịch vụ riêng biệt về HIV. Thường thì nguồn tài trợ nước ngoài cho các chương trình này chính là nguyên nhân gây nên tình trạng cung cấp dịch vụ theo “chiều dọc”. Khi nguồn vốn nước ngoài giảm đi, điều tối quan trọng là Việt Nam cần lồng ghép các dịch vụ về HIV vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em và các chương trình bảo trợ xã hội. Một ví dụ trong việc sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn chính là việc Việt Nam thử nghiệm cách tiếp cận Điều trị 2.0. Đây là một cách tiếp cận mới trong điều trị kháng virus, tạo điều kiện để lồng ghép các dịch vụ về HIV với các dịch vụ y tế khác, huy động cộng đồng tham gia cung cấp và đưa các dịch vụ về HIV đến được với nhiều người hơn với cùng một nguồn lực.

Với sự hỗ trợ của dự án, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Cường (Thái Nguyên) đã tạo dựng được xưởng may gia công cho người cùng cảnh ngộ.

TS Nguyễn Thanh Long: Có thể chi trả qua BHYT

PV: 95% chi phí xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV là miễn phí do được tài trợ. Nếu tự chi trả hoặc xã hội hóa là khó khăn lớn, thưa ông?

TS Nguyễn Thanh Long: Không riêng gì chi phí xét nghiệm, khoảng 90% số thuốc ARV hiện đang cung cấp cho bệnh nhân cũng từ các nguồn tài trợ. Hiện các đàm phán với các nhà tài trợ đang đi theo hướng Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư trong các phần cứng, như cơ sở hạ tầng, nhân sự. Các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ thuốc ARV và các xét nghiệm theo dõi điều trị ARV. Một khả năng khác cũng đã được bàn thảo là chi trả thông qua bảo hiểm y tế theo như được quy định trong luật. Tuy nhiên, khi mà nguồn quỹ còn hạn hẹp và thuốc hiện tại vẫn được tài trợ thì chưa thực hiện, khi cần sẽ phải thực hiện theo lộ trình đúng theo quy định của pháp luật.

PV: Hàng trăm nhóm tự lực trên cả nước hoạt động theo cơ chế lập dự án, xin tài trợ. Khi tài trợ rút đi, họ sẽ duy trì hoạt động ra sao?

TS Nguyễn Thanh Long: Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia cũng có các hỗ trợ cho các nhân viên giáo dục đồng đẳng. Nếu họ tham gia là các giáo dục viên đồng đẳng thì được Chương trình Quốc gia chi trả phụ cấp với mức là 250.000đ/tháng. Khi tài trợ hết, hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng đang tính đến nguồn hỗ trợ nhất định từ Nhà nước, từ các cơ quan liên ngành để họ có thể duy trì hoạt động.

- Cảm ơn các ông!

Top